Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Cần chú trọng đầu tư cho hoạt động phòng bệnh

29/10/2018 08:20 PM


Chiều ngày 29/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường các vấn đề về: Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Toàn cảnh phiên họp.

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội nhấn mạnh quan điểm chung, đó là phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Theo Đại biểu Nguyễn Anh Trí, thông thường đầu tư cho dự phòng hiệu quả gấp 2 lần đầu tư cho chữa bệnh. Sử dụng xét nghiệm sàng lọc đái tháo đường trong cộng đồng thì hiệu quả gấp 10 lần so với chi phí cho điều trị. Đặc biệt sàng lọc, phát hiện và tư vấn cho bệnh Tha-lát-xê-mia thì hiệu quả gấp 2.000 lần chi cho điều trị. Nhưng thực tế, ở Việt Nam y tế dự phòng mới quan tâm đến các bệnh dịch mà chưa quan tâm đến các nhóm bệnh lý khác. Nói đúng hơn, hoạt động phòng bệnh chưa được quan tâm đúng mức và toàn diện, có quy định các địa phương phải đảm bảo 30% kinh phí cho y tế dự phòng đã thực hiện chưa nghiêm túc. Có tỉnh có, có tỉnh không, các tỉnh có thì mức độ khác nhau. Đại biểu đề nghị Bộ Y tế cần sử dụng ngân sách nhà nước do Quốc hội phê chuẩn hàng năm để cấp về cho các tỉnh đảm bảo đủ cho các hoạt động của y học dự phòng. Như vậy sẽ có kinh phí để thống nhất và kịp thời triển khai các hoạt động dự phòng. Cần sớm xây dựng Luật Phòng bệnh, trong đó mở rộng các hoạt động dự phòng bệnh tật lên các nhóm bệnh lý khác, như bệnh không lây nhiễm, bệnh bẩm sinh di truyền, bệnh lý học đường, v.v...

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất: BHYT cần cân đối một cách hợp lý để đầu tư cho hoạt động phòng bệnh.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, y tế cơ sở hiện nay đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu của nhân dân. Đó là nguyên nhân chính gây ra quá tải. Nguyên nhân thì có nhiều, công tác tổ chức có nhiều biến động, cán bộ y tế còn thiếu, yếu, mức chi của BHYT còn thấp. Danh mục xét nghiệm, thăm dò bị hạn chế, thuốc ít thì không được phép kê, v.v... Đại biểu đề nghị cơ quan BHXH các cấp đừng sử dụng việc thanh toán BHYT như một công cụ của người gác cổng để chống quá tải, sàng lọc bệnh nhân ở các tuyến y tế cơ sở, người ta rất phản đối việc này.

Theo Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Bộ Y tế cần tập trung giải quyết nhân lực, tháo gỡ những vướng mắc, đầu tư nguồn lực. Được biết Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng bệnh viện Nậm Pồ ở Điện Biên, xin hết sức quan tâm.

 “BHYT cần đẩy mạnh thông tuyến, chi theo định mức, kỹ thuật, không phải theo hàng, theo tuyến. Chúng tôi cũng rất vui vì trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội có đề cập tăng cường ưu tiên y tế dự phòng, y tế cơ sở, tạo điều kiện để người dân sử dụng dịch vụ cao ngay tại tuyến dưới, ý này phải nói là rất hay” - Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Nhấn mạnh, kinh phí cho y tế luôn là vấn đề nóng bỏng ở hầu hết các quốc gia và cần phải có những biện pháp hiệu quả đảm bảo vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần triển khai thật tốt BHYT để có được một lượng kinh phí rất lớn, phục vụ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, việc quan trọng nhất là sớm sửa đổi Luật BHYT theo nguyên tắc BHYT phải có mệnh giá và thanh toán phải theo mệnh giá. Kinh nghiệm của toàn thế giới cho thấy điều đó.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị phải đẩy mạnh hơn hơn nữa việc xã hội hóa y tế để kêu gọi được nhiều nguồn vốn từ các đơn vị, các doanh nghiệp, các tư nhân đầu tư vào y tế. Có thể tham khảo ở Nhật Bản, một quốc gia chăm sóc rất tốt sức khỏe cho nhân dân, có tỉ lệ y tế tư nhân năm 1994 là 76% và đến nay là khoảng 82%. Ở Việt Nam, chia sẻ về việc ngân sách nhà nước còn rất hạn hẹp và phải đầu tư cho nhiều việc quan trọng khác thì hướng đi này chắc chắn là hướng đi đúng và hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề cập đến khuyến khích giao quyền tự chủ thực sự cho các bệnh viện công lập có đủ điều kiện. Đây quả là một lối ra để giảm bớt gánh nặng ngân sách cho quốc gia.

PV