Quản trị tốt di cư lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế

30/07/2019 03:43 PM


Người lao động di cư có thể phải đối mặt với rủi ro bị bóc lột, thậm chí trở thành nạn nhân mua bán người. Cộng đồng cần tiếp tục nỗ lực tăng cường quản trị di cư lao động để giảm thiểu bóc lột lao động. Đây là khuyến nghị của ILO nhân Ngày thế giới phòng chống mua bán người (30/7).

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải qua tổ chức để được hỗ trợ nếu xảy ra rủi ro. Ảnh minh hoạ, nguồn internet

Người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài hiện có nhiều đóng góp mang ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế Việt Nam thông qua lượng kiều hối gửi về nước. Theo ước tính của Chính phủ, mỗi năm lượng kiều hối mà NLĐ Việt Nam gửi về là khoảng 2,5 - 3 tỷ USD.

Đi làm việc ở nước ngoài đem lại nhiều lợi ích nhưng theo các nghiên cứu của ILO, NLĐ di cư có thể phải đối mặt với rủi ro bị bóc lột, cưỡng bức và thậm chí trở thành nạn nhân mua bán người. Tình trạng này một phần do các khoản chi phí di cư lao động cao và những thách thức trong triển khai các biện pháp bảo vệ.

Tại Việt Nam, hiện lao động ra nước ngoài làm việc tăng đều qua các năm. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2007 - 2017, đã có hơn một triệu lao động làm việc ở nước ngoài, trung bình mỗi năm có 93.000 người xuất cảnh. Quý I/2019 có 32.343 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Lao động di cư Việt Nam chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và ngư nghiệp… Trong đó, nhiều trường hợp lao động do các khoản nợ phí và lệ phí di cư lao động quá cao nên không dám rời bỏ nơi làm việc, kể cả những nơi có yếu tố bóc lột và bạo lực. Các khoản phí và chi phí cao cũng có thể khiến NLĐ tìm kiếm các công việc được trả lương cao hơn trong thời gian ở quốc gia đến làm việc để họ có cơ hội trả nợ. Tuy nhiên, việc thay đổi công việc tại quốc gia tiếp nhận thường khó khả thi nên nhiều người lại chấp nhận trở thành lao động di cư không có giấy tờ hợp pháp.

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, việc quản lý nhằm bảo đảm việc làm thỏa đáng cho NLĐ di cư, nhất là tại các quốc gia không có pháp luật đầy đủ bảo vệ quyền lao động cho họ đang tồn tại những thách thức lớn. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc thiết lập khung pháp lý nhằm phòng chống bóc lột lao động và mua bán người trong bối cảnh di cư lao động thông qua việc xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Phòng, chống buôn bán người và sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015. Vai trò của công đoàn trong việc giám sát triển khai thực hiện luật và bảo vệ quyền của NLĐ cũng được thúc đẩy thông qua việc hợp tác với các công đoàn tại các quốc gia đến làm việc.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh mở rộng các thị trường xuất khẩu lao động mới, cần có sự lựa chọn và phải giảm dần những thị trường rủi ro, đặc biệt là thống nhất nguyên tắc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải qua tổ chức để có đơn vị hỗ trợ nếu xảy ra rủi ro.

Trong năm 2019, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống luật pháp, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị, trình nội dung về sửa đổi Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2020. Đồng thời, đẩy mạnh việc quản lý doanh nghiệp, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo tuyển chọn đúng người, minh bạch và có kế hoạch khi lao động quay trở về nước./.

PV