Tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội việc làm bền vững

18/07/2019 03:57 PM


Ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về Việc làm bền vững (2017 - 2021). Đây là Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và ILO nhằm hướng tới mục tiêu việc làm bền vững ở các nước thành viên trên toàn cầu.

Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO mang nhiều tính đột phá và cơ hội cho thị trường lao động tại Việt Nam. 

Chương trình Quốc gia việc làm bền vững Việt Nam được ILO xây dựng trên 3 ưu tiên Quốc gia đó là: Thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội việc làm bền vững; giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội (ASXH); xây dựng cơ chế quản lý thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc và quyền cơ bản của người lao động.

Sau hai năm thực hiện, Chương tình đã góp phần đẩy nhanh việc xây dựng Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi); tập trung thể chế hóa các quan điểm về quan hệ lao động; phát huy hơn nữa quyền bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động; tăng cường đối thoại nơi làm việc, phát huy dân chủ, sáng tạo của người lao động, tạo sự cởi mở trong quan hệ lao động giữa người lao động, đại diện người lao động và chủ sử dụng lao động. Chương trình cũng đã góp phần đẩy nhanh việc thông qua và ban hành Đề án cải cách chính sách BHXH, chính sách tiền lương. 

Đại diện ILO phát biểu tại Hội thảo.

Đặc biệt, năm 2019, Việt Nam đã tham gia vào 3 công ước kỹ thuật quan trọng của ILO: Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ việc làm; Công ước số 159 về việc làm cho người khuyết tật và Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Theo đánh giá của ông Chang  Hee  Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, Chương trình đã tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững. Đây là điều quan trọng giúp các nhà sản xuất Việt Nam tiếp cận thị trường kể cả trong và ngoài nước tốt hơn. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã đào tạo nâng cao kỹ năng làm việc cho các thế hệ người lao động trong tương lai.

Về mục tiêu giảm đói nghèo thông qua hoạt động bao phủ ASXH tới tất cả mọi người và giảm tất cả mọi hình thức việc làm không thể chấp nhận được, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương. Chương trình giúp Việt Nam xây dựng chiến lược ASXH đến năm 2035; có nhiều hỗ trợ thông qua hệ thống ASXH; xây dựng các nghị quyết về lĩnh vực ASXH nhằm thực hiện Nghị quyết 27/ NQ-TW, Nghị quyết 28... đây là những chính sách mang tính đột phá cho Việt Nam.

Về  mục tiêu xây dựng cơ chế quản lý thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động: Chương trình góp phần cải thiện mối quan hệ lao động, năng suất lao động cho một số ngành như: da giày, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, điện tử, may mặc… Chương trình đã đưa ra những cam kết thỏa thuận có lợi, tốt  nhất cho cả người lao động và người sử dụng lao động./.

Quyết Thắng