Cần có chính sách đặc thù để tăng tỷ lệ bao phủ về BHXH và duy trì bền vững tỷ lệ bao phủ BHYT cho các tỉnh miền núi, biên giới

27/10/2021 09:29 AM


Chiều ngày 22/10/2021, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 02 năm 2019-2020. Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai chủ tọa, tham dự còn có 03 đồng chí là Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai và lãnh đạo 03 sở, ngành BHXH, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế.

Sau khi nghe báo cáo và cho ý kiến thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH; quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHYT năm 2020 của Chỉnh phủ và Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã nghe lãnh đạo các sở, ngành giải trình thêm một số vấn đề trong thực hiện chính sách và thảo luận, đề xuất về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Tại buổi thảo luận, các Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đều nhất trí với những nội dung các báo cáo về BHXH, BHYT được trình bày trước Quốc hội và nội dung kết quả, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Thông qua việc thảo luận, để tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT đảm bảo mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh, đại biểu quốc hội nhất trí kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ BHXH, BHYT đặc thù đối với các tỉnh miền núi, biên giới, cụ thể:

Việc thực hiện chính sách BHYT là hết sức cần thiết để thể hiện việc chăm lo, bảo vệ và đảm bảo cho sức khỏe của người dân, đảm bảo quyền lợi người dân, đảm bảo cho các nhu cầu cơ bản nhất. Tuy nhiên trong thời gian tới việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo, các chương trình mục tiêu về dân tộc thiểu số, về nông thôn mới) sẽ làm giảm số lượng người dân được Ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT, vậy cần có chính sách hỗ trợ chuyển tiếp để duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT, đảm bảo triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Những chính sách này sẽ do Trung ương hỗ trợ hay là địa phương hỗ trợ, hay lại tiếp tục ban hành những nghị quyết để tiếp tục hỗ trợ. Nhưng với những con số cao như này, địa phương đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ.

Thảo luận tại Tổ Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.

Cần xem xét sửa đổi một số quy định về đối tượng, về phương thức, căn cứ đóng BHXH theo hướng mở rộng, linh hoạt để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ví dụ như bổ sung thêm phương thức đóng 3 tháng/lần cho các doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh nhỏ để phù hợp với các hoạt động kinh doanh của từng đơn vị; Sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương của người lao động để khắc phục được tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội hoặc đóng không đủ bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.

Đối với pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện: Đề nghị nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng giảm thời gian tham gia để hưởng lương hưu. Bổ sung chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt, đảm bảo tính ổn định, có lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội. Đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đóng từ nguồn Ngân sách Trung ương đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cụ thể: tăng hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; từ 25% lên 40% đối với người tham gia hộ thuộc cận nghèo và từ 10 lên 20% đối với các nhóm người khác (theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn).

Đỗ Nga