Liên thông xét nghiệm: Càng sớm càng tiết kiệm cho người bệnh

01/11/2018 08:24 PM


Chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) có một số ý kiến liên quan đến vấn đề liên thông thực nghiệm. Liên thông xét nghiệm không những để tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc mà còn quan trọng nhất là có thể làm được xét nghiệm tốt và xét nghiệm tốt thì chẩn đoán bệnh mới đúng, cho nên việc này rất cần thiết. ĐB Nguyễn Anh Trí kiến nghị, cho liên thông càng sớm càng tốt để giúp cho công tác chẩn đoán bệnh được tốt hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời tại phiên chất vấn.

Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Liên thông sớm ngày nào thì tiết kiệm cho người bệnh. Quan trọng hơn là chữa bệnh tốt hơn.

Phó Thủ tướng cho biết khi mới được giao theo dõi lĩnh vực y tế, ông đã gặp rất nhiều người, đặc biệt các nhà khoa học và được thông tin, phản ánh về cơ cấu chi phí khám, chữa bệnh. Theo đó, chi phí tiền thuốc có thời điểm chiếm 49%, kết quả xét nghiệm trên 11%, chụp chẩn đoán hình ảnh 8%. Đây là một tỷ lệ quá lớn và rất lãng phí.

Một trong những nguyên nhân khiến chi phí dành cho xét nghiệm cao đến vậy, theo Phó Thủ tướng, là do chính sách về quản lý tài chính của cơ cở y tế, đặc biệt là huy động xã hội hoá (thực chất là tư nhân hóa) trong nhiều năm đối với việc đặt máy móc xét nghiệm nên có động cơ tìm mọi cách để xét nghiệm nhiều.

Khẳng định mục tiêu của liên thông xét nghiệm là để chữa bệnh tốt hơn, và phải tiết kiệm hơn, Phó Thủ tướng cho biết đã trực tiếp làm việc với Bộ Y tế về Đề án liên thông kết quả xét nghiệm. Các thời hạn thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm mà Bộ Y tế đề ra đều được yêu cầu rút ngắn lại. Đồng thời, các BV thuộc Bộ Y tế phải gương mẫu làm trước chứ không phải là thực hiện thí điểm.

“Việc liên thông thực ra rất đơn giản. Các phòng xét nghiệm ở các cơ sở y tế đạt chuẩn, là liên thông được. Bộ Y tế cần ban hành chuẩn phòng xét nghiệm, sau đó cho tổ chức kiểm tra, xác nhận đạt chuẩn là liên thông được. Còn nếu phòng xét nghiệm không đạt chuẩn thì không được xét nghiệm.

Bộ Y tế cũng cần quán triệt tinh thần thời hạn trong đề án là chậm nhất còn liên thông sớm ngày nào thì tiết kiệm cho người bệnh ngày đấy nhưng quan trọng hơn là chữa bệnh tốt hơn. Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, địa phương cũng chỉ đạo các BV, cơ sở y tế của mình phải tham gia vào đề án này, bước qua lợi ích cục bộ của mình” - Phó Thủ tướng nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Chính phủ đã ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg và tiến độ thực hiện chậm nhất đến năm 2020 liên thông và công nhận lẫn nhau bệnh viện tuyến tỉnh và năm 2025 liên thông toàn quốc. Năm 2017, 2018 đã triển khai được 28 bệnh viện trực thuộc bộ, tức là bệnh viện tuyến Trung ương. Điều kiện là các bệnh viện này, các phòng xét nghiệm phải đạt ISO 15189. Do đó, trong năm 2018 Bộ Y tế sẽ tổng kết 18 bệnh viện đã làm thí điểm và sẽ tìm hiểu xem khả năng có thể nhân và đẩy nhanh tiến độ, nhanh hơn hoặc giữ nguyên như kế hoạch. Bộ Y tế sẽ phấn đấu cùng các tỉnh để đẩy nhanh tiến độ hơn./.

PV