Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Giải pháp “kiềng 3 chân” cho các vấn đề của ngành Y tế

28/10/2018 05:29 PM


Sáng 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội với 22 ý kiến phát biểu, một ý kiến tranh luận. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia giải trình về các vấn đề được quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình tại phiên họp. Ảnh TTXVN.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết với những nỗ lực toàn ngành, chất lượng khám chữa bệnh đã có những tiến bộ khá rõ nét, theo đánh giá gần đây nhất của UNDP thì chỉ số hài lòng của bệnh nhân sau khám chữa bệnh đạt 76%, một đánh giá khác cho thấy tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân nội trú là 80%.

Để đạt được kết quả đó, ngành Y tế đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Vấn đề giảm tải bước đầu có kết quả, đặc biệt tuyến tỉnh và tuyến trung ương, đã có 37/39 bệnh viện có giảm tải là không còn nằm ghép trong 24h. Ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong khám chữa bệnh để người dân được thụ hưởng, trong đó có những kỹ thuật đó ngang tầm quốc tế; đồng thời, chuyển giao những kỹ thuật này cho tuyến tỉnh như can thiệp tim mạch, nội soi... Bộ Y tế cũng ban hành 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế và tổ chức đánh giá độc lập, chấm điểm, phân hạng bệnh viện, phân bệnh viện theo kết quả chấm điểm một cách độc lập để tiến tới như các quốc tế là có tổ chức độc lập đánh giá và phân hạng theo các bệnh viện và công khai, minh bạch trên cơ quan truyền thông, đã làm được gần hết toàn bộ bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh về vấn đề này.

Xây dựng nhiều bệnh viện mới, đặc biệt tuyến tỉnh, tuyến huyện, và tuyến trung ương thì xây mới, nâng cấp sửa chữa nhiều tạo nên bộ mặt bệnh viện khang trang, xanh, sạch, đẹp. Đề án xanh, sạch, đẹp, đổi mới toàn diện thái độ, phong cách. hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã được triển khai quyết liệt trong toàn ngành. Các bệnh viện rộng rãi, khang trang, ứng dụng công nghệ thông tin, có nơi chờ, có lấy số, có quạt, có người hướng dẫn, có bộ phận tiếp dân, có đường dây nóng để phản ánh. Vào bệnh viện bây giờ bộ mặt cũng khá khang trang.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành rất quyết liệt trong vấn đề vệ sinh bệnh viện, rửa tay trong bệnh viện. Bộ Y tế đã lập đường dây nóng, trong thời gian qua đã xử lý kỷ luật khoảng 10 ngàn cán bộ y tế từ tuyến xã lên trung ương với các hình thức kỷ luật cho đến nghỉ việc và chuyển việc.

Bộ Y tế cũng thực hiện giải pháp đổi mới cơ chế tài chính đưa tới lộ trình tính đúng, tính đủ và đưa cả lương vào gia dịch vụ y tế. “Như vậy giúp cho chất lượng khám chữa bệnh tăng, giúp cho tái đầu tư giảm bớt ngân sách. Chất lượng bệnh viện tốt thì cũng thu hút người tham gia bảo hiểm, đẩy tăng tỉ lệ tham gia bảo hiểm vừa qua vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Tăng cường xã hội hóa và kết hợp công - tư, khuyến khích bệnh viện tư nhân tạo điều kiện đó để nhiều hình thức lựa chọn cho người dân và cũng rút bớt quá tải: - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội về tăng cường y tế cơ sở, Bộ Y tế đã tham mưu và Chính phủ đã ra Nghị quyết, Quyết định để tăng cường y tế cơ sở. Hiện nay, tỷ lệ kết nối thông tin giữa các cơ sở y tế và ngành BHXH đã đạt gần 100%. Đối với trạm y tế xã thì bắt đầu quản lý hồ sơ sức khỏe và thực hiện xây dựng mô hình bác sỹ gia đình. Trước mắt là xây dựng 26 trạm y tế xã điểm kèm theo đó là xây dựng các Dự án ODA đã được Chính phủ ủng hộ để có thể tăng cường y tế cơ sở, đặc biệt ưu tiên vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều tiêu chí, chất lượng bệnh viện đã được ban hành ngang tầm quốc tế như là hơn 7.000 hướng dẫn quy trình chuyên môn đã được ban hành. Đấy là một số các kết quả cơ bản và vấn đề chính là sự hài lòng của người bệnh trong thời gian qua đã tăng lên rõ rệt và cũng được nhân dân, qua khảo sát độc lập đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhìn nhận một số vấn đề hạn chế của Ngành như: Vấn đề quá tải tại các bệnh viện; chăm sóc tại bệnh viện chưa toàn diện; chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; nhân lực, số lượng, chất lượng chưa đảm bảo;…

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành đang thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 20, 21 và các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các hạn chế trên sẽ được giải quyết bằng giải pháp "kiềng ba chân". Chân kiềng thứ nhất là: Xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi còn đang khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm khi chưa bị bệnh. Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu gắn với mô hình y học gia đình, gắn với trạm y tế xã, phường và phòng khám bác sĩ gia đình. “Chúng tôi đang xây dựng mẫu 26 mô hình điểm giống như mô hình của các nước đang phát triển một cách toàn diện cả con người, cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính và nhân lực” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Đối với các nước có thu nhập bình quân khoảng 15.000 - 17.000 đôla, họ mất 10 năm mới xây dựng tương đối mô hình này. Nhưng Việt Nam, trong 5 năm tới sẽ có mô hình cơ bản và 20 năm sau sẽ nhân rộng trong toàn quốc.

Chân kiềng thứ hai, đó là khi bị bệnh, vào bệnh viện phải được chăm sóc một cách chu đáo, toàn diện, chất lượng, giảm thời gian nằm viện, giảm lây chéo, tăng điều trị ban ngày, tăng cơ sở vật chất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm bớt người ra nước ngoài chữa bệnh. Sắp tới Bộ Y tế sẽ khánh thành một loạt cơ sở khám, chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao thay vì phải ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khỏe có thể khám, kiểm tra tại Việt Nam giống như chất lượng của nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế sẽ có những chuyên đề báo cáo đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho một cơ chế tài chính đổi mới toàn diện về tự chủ, về giá dịch vụ, về lộ trình, về xã hội hóa, về kết hợp công tư, về các mô hình bảo hiểm y tế bổ sung.

Chân kiềng thứ ba là nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng. Khi thông qua Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế.

 

PV