"Tham gia BHXH sau dịch Covid-19"

29/10/2020 05:15 PM


Là tiêu đề Chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Người Lao Động đã phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức sáng ngày 28/10. Tại chương trình, các chuyên gia đã trả lời các câu hỏi của bạn đọc về quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện, doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ gì do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ; điều chỉnh mức hỗ trợ cho người đóng BHXH tự nguyện...

Khách mời tham gia chương trình có: Bà Bùi Thị Kim Loan, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam); Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam); Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh; Bà Quãng Ngọc Phương Anh - Phó Trưởng phòng Truyền thông & Phát triển đối tượng - BHXH TP Hồ Chí Minh.

Các khách mời tham gia giao lưu

Linh hoạt trong đóng BHXH tự nguyện

Chia sẻ những khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng công việc và thu nhập khiến nhiều người lao động (NLĐ) băn khoăn về thủ tục nhận BHXH một lần, bà Bùi Thị Kim Loan, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết NLĐ sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần. Nếu sau 1 năm nghỉ việc, NLĐ không tiếp tục đóng BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện mà có yêu cầu nhận BHXH một lần thì liên hệ với cơ quan BHXH nơi NLĐ cư trú để được giải quyết.

Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ hưởng BHXH một lần gồm: sổ BHXH, đơn đề nghị hưởng BHXH một lần của NLĐ. "Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành thì NLĐ được bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện đóng tiếp BHXH cho đủ thời gian tham gia BHXH tối thiểu 20 năm thì đến khi đủ tuổi sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Do đó, nên cân nhắc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để sau này khi có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện sẽ được cộng dồn thời gian đã tham gia BHXH để hưởng BHXH với mức hưởng cao hơn" - bà Loan tư vấn.

Trả lời câu hỏi về việc "đối với những trường hợp đủ điều kiện về tuổi đời nhưng không đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH thì có nên nhận BHXH một lần hay không, có được đóng BHXH tự nguyện sau một thời gian tạm dừng hay không?", bà Quãng Ngọc Phương Anh, Phó trưởng Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH TP HCM), cho biết người được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH; ra nước ngoài định cư; người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế. Theo bà Phương Anh, người dân có thể lựa chọn đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ 20 năm được hưởng lương hưu hoặc lựa chọn nhận BHXH một lần.

Bà Bùi Thị Kim Loan tại buổi giao lưu trực tuyến

Với trường hợp độc giả hỏi thủ tục tham tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện thời gian hưởng chế độ hưu trí, bà Bùi Thị Kim Loan cho biết, theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, người tham gia được chọn linh hoạt các phương thức đóng BHXH tự nguyện. Người tham gia có thể lựa chọn đóng hằng tháng; Đóng 3 tháng một lần; Đóng 6 tháng một lần; Đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Với thông tin bạn đọc cung cấp, đã đủ 55 tuổi nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì có thể tham gia đóng BHXH tự nguyện theo các phương thức đóng nêu trên, trường hợp bạn đã có thời gian đóng BHXH trên 10 năm thì bạn được đóng một lần BHXH tự nguyện cho thời gian còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu ngay tháng liền kề sau tháng đóng đủ 20 năm. Bạn đọc liên hệ với cơ quan BHXH tại địa phương hoặc đại lý thu nơi bạn cư trú (bưu điện hoặc UBND xã, phường, thị trấn) để được hướng dẫn cụ thể về thủ tục tham gia và tư vấn các nội dung bạn đọc quan tâm.

Khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện

Theo ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ,thẻ (BHXH Việt Nam), dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, xã hội trên toàn cầu. Các DN bị giảm doanh thu, buộc phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh, giảm lao động... NLĐ mất, thiếu việc làm, giảm hoặc mất thu nhập..., cuộc sống cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Đến hết tháng 9-2020, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,67 triệu người, giảm 102.000 người so với cùng kỳ năm 2019, giảm 533.000 người so với cuối năm 2019.

Ông Đinh Duy Hùng tại buổi giao lưu trực tuyến

Ông Hùng cho biết mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (hiện nay là 700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (hiện nay là 29.800.000 đồng). Người tham gia có thể đóng BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH; đại lý thu (bưu điện và UBND xã) hoặc đóng qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát lần thứ 2, Chính phủ đã có Nghị quyết số 105/NQ-CP, trong đó giao BHXH Việt Nam nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa 12 tháng đối với đơn vị và NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trước mắt đến hết tháng 12-2020.

Trả lời câu hỏi "Công đoàn (CĐ) cấp trên khởi kiện DN nợ BHXH, BHYT ra tòa nhằm đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho NLĐ được triển khai thế nào?", ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết hằng năm trung tâm đã tham mưu Thường trực LĐLĐ TP tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tham gia tố tụng tại tòa án cho cán bộ tổ tư vấn pháp luật, hướng dẫn quy trình khởi kiện một vụ án lao động đến CĐ cấp trên cơ sở...

Kết quả trong thời gian qua, các vụ tranh chấp về nợ BHXH do trung tâm đứng ra khởi kiện hoặc phối hợp CĐ đoàn cấp trên thực hiện đều mang lại kết quả tốt, kịp thời bảo vệ quyền lợi NLĐ. "Quan điểm của chúng tôi cho rằng khi tham gia khởi kiện DN nợ BHXH thì phải tuân thủ các quy định, trình tự, thủ tục tố tụng như đã được quy định tại Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015" - ông Triều khẳng định.

Đóng BHXH lợi hơn gửi tiết kiệm

Trước những so sánh về loại hình BHXH với bảo hiểm thương mại, bà Kim Loan khẳng định chính sách BHXH là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm mọi công dân đều có quyền được hưởng an sinh xã hội, trong đó có quyền lợi hưởng lương hưu khi về già. Có người cho rằng cứ có tiền mang đi gửi tiết kiệm thì sau này sẽ được hưởng lãi suốt đời. Tuy nhiên, nếu có tiền mà tham gia BHXH tự nguyện để tuổi già hưởng lương hưu thì có lợi hơn nhiều.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Phương Anh cho biết chính sách về BHXH là chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm mọi công dân có quyền được hưởng an sinh xã hội. Chính sách này khác hoàn toàn với loại hình bảo hiểm nhân thọ. Việc so sánh chi tiết giữa 2 loại hình bảo hiểm là rất khó, tuy nhiên, BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận còn bảo hiểm thương mại nhằm mục đích sinh lời. Khoản lời từ bảo hiểm thất nghiệp được lấy từ chính tiền của người tham gia. Hơn nữa, bảo hiểm nhân thọ cũng đặt ra điều kiện khá ngặt nghèo về tuổi đời, sức khỏe tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, không có chuyện vỡ quỹ như thông tin nêu trước đây hoặc phá sản như DN.

PV