“Lương hưu” - Niềm mơ ước của rất nhiều nông dân

05/10/2020 09:28 AM


Anh Nhân bảy tỏ, “lương hưu” là niềm mơ ước của rất nhiều nông dân. Từ khi chính sách BHXH tự nguyện được mở rộng mọi người dân đều có thể tham gia để có lương hưu trang trải cuộc sống, điều đó khiến chúng tôi vui mừng.

Vừa đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại Hội nghị, trên tay cầm bìa sổ BHXH do BHXH huyện Chợ Mới trao, anh Nguyễn Hữu Nhân (25 tuổi) xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang chia sẻ, trước đây tôi có nghe đến chính sách BHXH tự nguyện nhưng không hiểu nhiều, hôm nay được tư vấn, đối thoại trực tiếp, được nhân viên BHXH phân tích cụ thể phương thức đóng, quyền lợi được hưởng theo từng mức. Thấy ý nghĩa quá tôi đăng ký tham gia luôn tại Hội nghị với phương thức đóng 12 tháng/lần, tổng số tiền trên 2 triệu đồng/năm.

Anh Nhân bảy tỏ, “lương hưu” là niềm mơ ước của rất nhiều nông dân. Từ khi chính sách BHXH tự nguyện được mở rộng mọi người dân đều có thể tham gia để có lương hưu trang trải cuộc sống, điều đó khiến chúng tôi vui mừng. Sau khi được tư vấn, đối thoại tại hội nghị, anh Nhân thấy rằng, tham gia BHXH tự nguyện sẽ giúp ích rất nhiều khi hết tuổi lao động, có lương hưu trang trải cuộc sống, không phải phụ thuộc vào con cái khi về già. Không chỉ được lĩnh lương hưu mà có luôn cả thẻ BHYT và nhiều quyền lợi kèm theo. Điều này rất quan trọng đối với bản thân anh khi chẳng may về già bệnh tật có cái để dựa.

Xuất phát từ ý nghĩ khi mình lớn tuổi sẽ có lương hưu để vui hưởng tuổi già, không phụ thuộc con cháu, bà Nguyễn Thị Tâm (61 tuổi), xã An Bình, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang chia sẻ với chúng tôi, sau khi được tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc quyền lợi, mức đóng, tôi đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại Hội nghị. Hôm nay vì không mang nhiều tiền nên tôi tạm đóng mức hơn 200 nghìn đồng/tháng. Giờ mỗi tháng, tôi sẽ để ra một khoản tiền để tham gia BHXH tự nguyện ở mức tối thiểu. Gia đình tôi làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định, nhưng sau khi được nhân viên BHXH tự vấn, giải đáp, tìm hiểu, tôi thấy tham gia BHXH tự nguyện có nhiều lợi ích. Nhiều người nông dân rất mong muốn có được lương hưu an nhàn tuổi già.

 “Trước đây tôi cứ nghĩ phải là người làm Nhà nước, làm doanh nghiệp mới được đóng BHXH, có lương hưu. Nhưng hiện tại, người lao động tự do cũng có cơ hội đó thì tốt quá.” bà Tâm bày tỏ.

Nhà bà Tâm có 3 người con đều đang đi làm tại các doanh nghiệp và được đóng BHXH. Chỉ riêng vợ chồng bà giờ chưa có lương hưu, tuổi già đang đến cận kề, vì vậy bà Tâm bày tỏ: “Sau hội nghị này tôi sẽ về vận động chồng và hàng xóm cùng tham gia BHXH tự nguyện, nhiều người nông dân cũng mong muốn có lương hưu. Giờ về già sức khỏe yếu, con cái cuộc sống riêng. Do vậy, có lương hưu cũng đỡ đi khó khăn phần nào của cuộc sống”.

Hội nghị đối thoại và tư vấn chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với nông dân tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp lựa chọn đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay tại cuộc Hội nghị tuyên truyền. Bên cạnh đó, cũng không ít người có chuyển biến về suy nghĩ, cho thấy chính sách BHXH tự nguyện đang ngày càng trở nên gần gũi, thiết thực hơn với người dân; cũng như hiệu quả của hình thức tư vấn, đối thoại trực tiếp với người dân về chính sách.

Giám đốc BHXH huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang Văng Anh Trung cho biết: Nét mới trong hoạt động truyền thông những năm gần đây là đẩy mạnh hình thức thăm hộ gia đình, kết hợp với tư vấn, giải thích, vận động để người hiểu, tham gia và tiến hành cấp sổ BHXH ngay tại chỗ cho các người dân khi tham gia, đảm bảo nhanh, gọn. Đồng thời, BHXH huyện tổ chức tặng quà cho bà con nông dân nào đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay tại Hội nghị, do đó đã thu hút khuyến khích nhiều người tích cực tham gia.

Theo Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh An Giang chia sẻ: Với quan điểm chủ động đến với người dân, đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần nhân dân, thời gian tới, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành, các tổ chức đoàn thể - xã hội ở địa phương mở thêm nhiều hội nghị ở cộng đồng dân cư, trong đó có Hội Nông dân. Nội dung truyền thông được trình bày gần gũi, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, nhằm mục đích để cho người dân nào cũng có thể nắm bắt được thông tin và nâng hiểu biết, nhận thức về chính sách BHXH tự nguyện. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa và không ngừng đổi mới các hình thức truyền thông nhằm sớm đạt mục tiêu “phủ sóng” BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.

Thái Dương