Tham gia vào hệ thống BHXH để không ai bị bỏ lại phía sau

05/10/2020 08:36 AM


Mặc dù tham gia vào hệ thống BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện, người dân, người lao động (NLĐ) được rất nhiều lợi ích, nhưng thời gian gần đây, trên không gian mạng “thêu dệt” thông tin vỡ quỹ BHXH ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chính sách BHXH… Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

PV: Ông đánh giá thế nào về lợi ích khi người dân tham gia vào hệ thống BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện và đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân?

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

BHXH là một trong những trụ cột an sinh xã hội cơ bản nhất, bởi đây chính là sự đóng góp cho quỹ hiện tại để người ta có cuộc sống tốt hơn trong tương lai khi về già. BHXH có 2 loại hình là BHXH bắt buộc (những người có quan hệ lao động, làm việc trong các khu vực nhà nước hoặc doanh nghiệp thì phải đóng BHXH, trong đó có cả phần của doanh nghiệp (DN) và của NLĐ; được hưởng 5 chế độ (ngắn hạn: ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN) và dài hạn (hưu trí và tử tuất). Còn BHXH tự nguyện dành cho những người không có quan hệ lao động và theo Nghị quyết số 28 của Trung ương phải phấn đấu tất cả mọi người dân trong độ tuổi lao động đều được tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện) vì đó là mục tiêu an sinh xã hội, chăm lo cho tuổi già.

Nhưng BHXH tự nguyện đóng ở mức thấp hơn, thấp nhất bằng chuẩn nghèo khu vực nông thôn (tức 700.000 đồng hiện nay) và cao hơn do người dân tự nguyện đóng để đảm bảo nguyên tắc có đóng- có hưởng, đóng cao hưởng cao và đóng thấp hưởng thấp. Song BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là tử tuất và hưu trí. Như vậy, nếu mọi người dân tham gia BHXH thì đó chính là trụ cột an sinh quan trọng để khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động sẽ được hưởng lương hưu, được hưởng BHYT- 2 nội dung quan trọng cho nên BHXH được đánh giá như là trụ cột quan trọng số 1 của an sinh xã hội.

Chúng ta phải khẳng định BHXH đã thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ Xã hội chủ nghĩa mà rõ ràng người dân đang trông chờ và có kỳ vọng rất lớn về chính sách này.

PV: Mặc dù chúng ta đã nhìn thấy nhiều lợi ích của việc tham gia vào hệ thống BHXH nhưng gần đây trên mạng xã hội lại “thêu dệt” thông tin vỡ quỹ BHXH và việc tăng tuổi nghỉ hưu tại Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 là do lo lắng về việc vỡ quỹ BHXH. Là người tham gia thẩm tra các dự án luật này ông có đánh giá gì về những thông tin “xấu, độc” trên?

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Có thể nói những thông tin “thêu dệt” việc vỡ quỹ BHXH là không chính xác và thể hiện thái độ, trách nhiệm với xã hội không cao. Tôi cho rằng đây là những tin bịa đặt, họ có thể lợi dụng một số phân tích của các nhà khoa học hoặc ILO khi chúng ta bàn sửa đổi luật BHXH và Bộ luật Lao động. Bởi khi đó chúng ta dự báo nếu không có thay đổi về chính sách và tình trạng đóng ít hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng dài thì có nguy cơ vỡ quỹ BHXH cho nên người ta “thêu dệt”, bịa đặt để NLĐ lo lắng.

Nhưng trong thực tiễn hiện nay, quỹ BHXH đang kết dư rất cao và chúng ta quản lý quỹ này rất tốt, luôn luôn bảo đảm được giá trị của quỹ BHXH có sự đầu tư, tăng trưởng. Quỹ BHXH hiện này hoàn toàn những người đang làm việc đóng để người nghỉ hưu được hưởng từ kết quả đóng góp nhưng chúng ta vẫn đang kết dư một số lượng quỹ rất lớn nên không thể nói vỡ quỹ BHXH được. Bên cạnh đó, người dân phải hiểu rõ ràng quỹ BHXH là của nhà nước, do nhà nước quản lý bằng Hội đồng quản lý Trung ương mà Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch hội đồng; quỹ BHXH công khai, minh bạch và hằng năm đều được Quốc hội giám sát cũng như công khai trước Quốc hội.

Còn tại sao chúng ta phải nâng tuổi nghỉ hưu? Nâng tuổi nghỉ hưu không phải vì nguyên nhân vỡ quỹ BHXH mà do xu hướng già hóa dân số. Chúng ta phải nâng thêm thời gian để đảm bảo lực lượng lao động cho quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nếu chúng ta nâng được tuổi nghỉ hưu thì cũng là sự bảo tồn cho quỹ BHXH không bao giờ bị phá vỡ vì đóng dài hơn, hưởng dài hơn - điều đó rất tốt. Trong thực tiễn trước khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu đã nâng cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, những người có trình độ quản lý…; khu vực y tế, giáo dục đã có những người làm đến tuổi 70. Lần này điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình để không tác động đến thị trường lao động; nam mỗi năm tăng thêm 3 tháng, nữ tăng thêm 4 tháng để đến năm 2028 nam 62 tuổi nghỉ hưu và đến năm 2035 thì nữ bắt đầu chạm vào 60 tuổi được nghỉ hưu.

Mặc dù vậy, chúng ta phải nhớ rằng có trên 5 triệu lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm đều được nghỉ hưu sớm từ 5 - 10 năm. Vấn đề quan trọng trong Nghị quyết số 28, chúng ta bắt đầu thực hiện cơ chế linh hoạt là không chỉ 20 năm đóng BHXH mới đủ điều kiện tuổi nghỉ hưu mà chúng ta sẽ giảm xuống còn 15 năm - rất linh hoạt. Do vậy, không thể nói mất cân bằng quỹ BHXH được. Đặc biệt, nếu tình hình kinh tế xã hội biến động, giá cả bị suy giảm, nhà nước sẽ điều chỉnh để đảm bảo tiền lương của NLĐ về hưu phải đủ giá trị sức mua đồng tiền đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Đây là một bản chất rất tốt đẹp cho nên người về hưu cũng được điều chỉnh lương hưu. NLĐ hết sức bình tĩnh, nghiên cứu và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chúng ta coi chính sách an sinh xã hội này là chính sách ưu việt của đất nước - đây là bản chất tốt đẹp của Xã hội chủ nghĩa.

Người dân tham gia BHXH để được chăm sóc về lâu dài

PV: Như vậy, quỹ BHXH luôn tăng trưởng và không thể bị vỡ bởi khi vỡ quỹ BHXH sẽ kéo theo kinh tế xã hội của đất nước thay đổi. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Đúng vậy, quỹ BHXH là quỹ của NLĐ đóng góp nhưng Nhà nước quản lý bảo toàn đem đi đầu tư tăng trưởng, có trách nhiệm bảo hộ cho người dân và đây chính là cam kết chính trị của nhà nước đối với chính sách an sinh xã hội. Mục tiêu là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân theo Hiến định và quan trọng nhất phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người nghỉ hưu khi họ đã tham gia vào hệ thống BHXH theo đúng nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tôi cũng chia sẻ câu chuyện về Covid-19, khi đại dịch diễn ra chúng ta thấy rõ vai trò quan trọng của chính sách BHXH, BH thất nghiệp. Nhà nước chi ra 62.000 tỷ hỗ trợ NLĐ bị suy giảm thu nhập ở mức rấy thấp- thấp hơn mức tiền lương cơ sở (1.490.000 đồng) thì quỹ BHXH cũng phải bù để đảm bảo đời sống cho NLĐ. Quỹ BH thất nghiệp đã chi trả cho NLĐ bị thất nghiệp, mất việc làm. Rõ ràng quỹ BH thất nghiệp đã có vai trò điều tiết lại thu nhập cũng như đảm bảo đời sống cho NLĐ. Đây là bản chất tốt đẹp, chính sách có đóng có hưởng và như là quỹ dự trữ để xử lý những bất trắc khó khăn xảy ra.

Trước tình trạng người dân nghe theo những thông tin thất thiệt đó đi rút BHXH 1 lần hoặc đừng đóng BHXH tự nguyện, ông có lời khuyên gì đối với NLĐ trước những thông tin này?

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Tôi đã khuyến cáo NLĐ và người dân rất nhiều lần. Tại sao lại nhận BHXH 1 lần và tại sao không đóng tiếp BHXH, nếu không đóng thì chốt sổ BHXH và khi nào có điều kiện đóng tiếp. Khi rút BHXH 1 lần rất thiệt bởi đóng BHXH 1 tháng, khi rút ra được hưởng 0,64 tháng. Khi chốt sổ BHXH thì Nhà nước hoàn toàn có trách nhiệm bảo lưu thời gian đã đóng, nếu không may mất vẫn có tiền tử tuất, được hưởng lại chế độ đã đóng. Nhà nước không lấy đi. Người dân rút BHXH 1 lần không hiểu và có một phận người dân thông qua việc “cò mồi” rút tiền BHXH 1 lần để hưởng hoa hồng lừa NLĐ và bản thân NLĐ chưa hiểu rõ được vấn đề. Số tiền NLĐ đóng góp vào quỹ nếu chưa lấy thì còn nguyên và được Nhà nước bảo hộ. Tôi xin nhấn mạnh, quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ và chắc chắn NLĐ sẽ không mất đi quyền lợi của mình.

Tôi mong rằng NLĐ và người dân hãy tham gia BHXH và tham gia BHYT hộ gia đình để đóng góp hôm nay được hưởng lợi sau này. Khi hết tuổi lao động, NLĐ hoàn toàn hưởng lương hưu, được chăm lo cuộc sống khi về già và quan trọng nhất có thẻ BHYT chăm lo sức khỏe cho mình lúc tuổi già. Trẻ mang sức khỏe đi kiếm tiền nhưng khi già đem tiền đi mua sức khỏe và nếu chúng ta tham gia BHXH và BHYT thì việc này hoàn toàn từ quỹ  BHXH, BHYT - Nhà nước lo cho NLĐ. Tôi rất mong muốn NLĐ hiểu được bản chất của vấn đề và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để thực hiện cho tốt, đảm bảo chính cuộc sống của mình trong tương lai.

Mặt khác, người dân phải hết sức tỉnh táo và cần nghe các thông tin chính thống của Nhà nước, không nên nghe những tin bịa đặt trong tình hình hiện nay. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan nhà nước, các cơ quan BHXH tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu. Đồng thời, người dân, NLĐ cũng cần theo dõi các thông tin từ các cơ quan thông tấn, các website của BHXH…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

PV (thực hiện)