Hợp nhất các tổ chức BHXH, thành lập BHXH Việt Nam và những kết quả bước đầu

Bài 1. Định hướng thống nhất bộ máy tổ chức thực hiện BHXH

05/11/2019 01:48 PM


Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII xác định: “Đổi mới chính sách BHXH theo hướng: mọi người lao động và đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều đóng góp vào quỹ BHXH. Từng bước tách quỹ BHXH đối với công nhân viên chức nhà nước khỏi ngân sách và hình thành quỹ BHXH chung cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế”. Cùng với thực tiễn thí điểm BHXH ngoài quốc doanh, cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập tổ chức BHXH tập trung, thống nhất đã thực sự chín muồi.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII với nhiều chủ trương lớn, quan trọng về cải cách chính sách BHXH

Sau 05 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong 05 năm từ 1991-1995. Văn kiện Đại hội xác định: “Đổi mới chính sách BHXH theo hướng: mọi người lao động và đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều đóng góp vào quỹ BHXH. Từng bước tách quỹ BHXH đối với công nhân viên chức nhà nước khỏi ngân sách và hình thành quỹ BHXH chung cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế”. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó xác định “Cải cách chế độ bảo hiểm... Thiết lập một hệ thống đồng bộ và đa dạng về bảo hiểm và trợ cấp xã hội”.

Song song với việc triển khai thí điểm BHXH ngoài quốc doanh, ngay từ đầu năm 1990, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai nghiên cứu đổi mới chính sách BHXH. Ngày 07/02/1990, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có Văn bản số 258/LĐTBXH-BTXH đề nghị Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cử một cán bộ lãnh đạo và một số cán bộ cấp vụ và chuyên viên tham gia Ban Chỉ đạo chung và các tổ nghiên cứu các chuyên đề đổi mới BHXH.

Ngày 09/05/1990, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc họp về cải cách BHXH có sự tham gia của Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Ban Tổ chức Chính phủ, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Hội nghị đã thống nhất những vấn đề chính: (1) khẩn trương nghiên cứu sửa đổi tổng thể về BHXH, bao gồm sửa đổi các chế độ BHXH, sửa đổi quy định về hạch toán, quản lý nguồn quỹ BHXH và tổ chức bộ máy quản lý BHXH; (2) thành lập Ban Chỉ đạo và hình thành 03 tổ nghiên cứu (Tổ chính sách, Tổ nguồn quỹ, Tổ tổ chức bộ máy), thành phần của 03 tổ nghiên cứu gồm Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trên cơ sở danh sách Ban Chỉ đạo và các Tổ nghiên cứu đã được các bộ, ngành thỏa thuận cử cán bộ tham gia, ngày 05/06/1990, Ban Chỉ đạo và bộ phận thường trực đã họp thông qua đề cương nghiên cứu xây dựng đề án BHXH . Ngày 09/06/1990, lãnh đạo 03 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã họp thông qua kế hoạch nghiên cứu xây dựng đề án BHXH, trình Hội đồng Bộ trưởng.

Ngày 02/07/1990, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ra Văn bản số 1504/LĐTBXH-BTXH chính thức thông báo thành lập các bộ phận nghiên cứu xây dựng đề án BHXH như sau:

Về thành phần Ban Chỉ đạo gồm có đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; đồng chí Lý Tài Luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính và đồng chí Vũ Kim Quỳnh, Ủy viên Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Các Tổ nghiên cứu đã thực hiện kế hoạch theo đề án đổi mới BHXH đã được lãnh đạo các bộ thông qua, nhiều dự thảo báo cáo theo từng chuyên đề được đưa ra các cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi ở các ngành.

Sau gần 07 năm đổi mới, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cần nhanh chóng sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Ngày 15/04/1992, tại kỳ họp thứ 04 Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Tại Điều 56 Hiến pháp quy định “Nhà nước ban hành chính sách, chế độ bảo hộ lao động. Nhà nước quy định thời gian lao động, chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi và chế độ BHXH đối với viên chức nhà nước và những người làm công ăn lương; khuyến khích phát triển các hình thức BHXH khác đối với người lao động”.

Cụ thể hóa các quy định tại Hiến pháp 1992, trên cơ sở kết quả thí điểm thực hiện BHXH cho người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Ban Chỉ đạo nghiên cứu đổi mới các chế độ BHXH, ngày 22/06/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/CP quy định tạm thời chế độ BHXH. Theo đó, việc thực hiện 05 chế độ BHXH bao gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất được áp dụng bắt buộc đối với công nhân, viên chức thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức Đảng, Đoàn thể; người lao động làm việc hưởng lương hoặc tiền công ở những doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên; người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và trong các tổ chức khác của nước ngoài tại Việt Nam và người lao động Việt Nam làm việc trong khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt. Và cũng ngay từ Nghị định đầu tiên về đổi mới chính sách BHXH này, đã đưa ra hình thức BHXH tự nguyện áp dụng từ 01 đến 05 chế độ đối với những người lao động Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Việc thiết kế các chế độ BHXH tại Nghị định 43/CP đã cơ bản hướng tới sự cân đối giữa mức đóng và mức hưởng. Thời gian nghỉ hưởng và mức hưởng được tính tỷ lệ thuận với thời gian đóng và mức đóng. Đặc biệt, tại Nghị định cũng có nhiều điểm mở thể hiện một tư duy mới về thiết kế chính sách như bước đầu đưa ra khái niệm BHXH tự nguyện; mở rộng hơn độ tuổi nghỉ hưu, bên cạnh việc quy định trần tuổi nghỉ hưu áp dụng chung cho mọi đối tượng, có tính đến mức tuổi giảm và mức tuổi tăng đối với các trường hợp cá biệt như người lao động làm việc trong các ngành nghề nặng nhọc độc hại; người lao động có trình độ cao... Ngay từ thời gian này, trong quy định về độ tuổi nghỉ hưu đã quy định: “Người lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi đã đóng góp BHXH đủ 20 năm trở lên và tuổi đời nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. (Những trường hợp đặc biệt đơn vị có nhu cầu và người lao động tự nguyện tiếp tục làm việc thì tuổi đời không quá 65 với nam, 60 đối với nữ)”. Đặc biệt, tại Nghị định 43/CP đã dành hẳn 01 phần quy định về Quỹ BHXH và một phần khác quy định về hệ thống tổ chức BHXH. Theo đó, Quỹ BHXH được hình thành từ sự đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước. Đối với hình thức BHXH bắt buộc, người sử dụng lao động, hàng tháng đóng vào Quỹ BHXH bằng 15% tổng quỹ tiền lương, trong đó 10% để thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất, 5% để thực hiện chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Người lao động hàng tháng đóng 5% tiền lương vào Quỹ BHXH để thực hiện chế độ hưu trí, chế độ tử tuất. Đối với hình thức BHXH tự nguyện, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan xác định và quy định mức đóng góp. Quỹ BHXH được quản lý thống nhất theo chế độ tài chính của Nhà nước, hạch toán độc lập và được Nhà nước bảo hộ. Quỹ BHXH được sử dụng chi trả các chế độ BHXH cho người tham gia, chi phí quản lý hành chính về sự nghiệp bảo hiểm theo quy định của Chính phủ và trên cơ sở cân đối được nguồn quỹ dành một tỷ lệ chi cho việc dưỡng sức của người tham gia BHXH. Để đảm bảo tính kế thừa trong giai đoạn chuyển tiếp, Nghị định cũng quy định ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện các chế độ hưu trí, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động, BHYT, tử tuất đối với những người đang hưởng BHXH trước ngày Nghị định 43 được ban hành và hỗ trợ để chi cho công nhân, viên chức nghỉ hưu sau ngày ban hành Nghị định này.

Ngày 30/09/1993, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 66/CP quy định tạm thời chế độ BHXH đối với lực lượng vũ trang, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/1993, cùng thời điểm hiệu lực thi hành của Nghị định 43/CP.

Có thể thấy, những đổi mới căn bản trong cơ chế BHXH thể hiện tại Nghị định 43/CP và Nghị định 66/CP bao gồm 06 nội dung: (1) đã thống nhất về mặt tổ chức bộ máy quản lý sự nghiệp BHXH; (2) thống nhất về nghĩa vụ đóng góp và quyền lợi được hưởng; (3) đảm bảo sự bình đẳng trên cơ sở mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong các thành phần kinh tế; (4) chuyển từ BHXH thông qua ngân sách sang xác lập Quỹ BHXH độc lập; (5) tách các chế độ BHXH ra khỏi các chế độ ưu đãi xã hội, (6) đã sử dụng đơn vị tiền tệ làm chuẩn mức đóng và mức hưởng BHXH theo đúng vận hành của nền kinh tế thị trường thay cho việc lấy gạo làm chuẩn như trước đây và quá trình thực hiện thí điểm BHXH ngoài quốc doanh chính là bước đột phá, là tiền đề quan trọng nhất cho việc cải cách, đổi mới chính sách BHXH phù hợp với đường lối đổi mới kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta./.

Dương Ngọc Ánh