Hợp nhất các tổ chức BHXH, thành lập BHXH Việt Nam và những kết quả bước đầu

Bài 5. Tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam những ngày đầu thành lập

27/11/2019 09:34 AM


Theo Quyết định 606/QĐ-TTg, ngày 26/9/1995, BHXH Việt Nam đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan nhà nước về lĩnh vực có liên quan và sự giám sát của tổ chức công đoàn.

Sơ đồ tổ chức bộ máy hệ thống BHXH Việt Nam theo Quyết định 606/TTg của Thủ tướng Chính phủ

Trên cơ sở Nghị định 12/CP và Nghị định 19/CP, ngày 26/09/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 606/TTg về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của BHXH Việt Nam. Theo quy định tại Điều 6, Quyết định này: Tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam như sau: 1- Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam là cơ quan quản lý cao nhất của BHXH Việt Nam; 2- BHXH Việt Nam được tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương, gồm có: Ở Trung ương: BHXH Việt Nam. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) là BHXH tỉnh trực thuộc BHXH Việt Nam. Ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là huyện) là BHXH huyện trực thuộc BHXH tỉnh. Tại cơ quan BHXH Việt Nam, có 08 tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, gồm: Ban Quản lý chế độ chính sách BHXH; Ban Quản lý thu BHXH; Ban Quản lý chi BHXH; Ban Kiểm tra - Pháp chế; Ban Kế hoạch - Tài chính; Ban Tổ chức - Cán bộ; Văn phòng và Trung tâm Thông tin - Khoa học.

Sau 03 tháng đồng bộ triển khai nhiệm vụ, hệ thống BHXH Việt Nam đã khắc phục những khó khăn ban đầu, nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không gây gián đoạn việc hưởng quyền lợi của đối tượng.

Công tác nhân sự tiến hành nhanh nhưng thận trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn và bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ. Việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo tiến hành khẩn trương, đúng quy trình và thủ tục, có sự giới thiệu và thỏa thuận của cấp ủy và chính quyền địa phương. Ngay sau khi tiếp nhận bàn giao, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu đã ký Quyết định bổ nhiệm 53 Giám đốc và 64 Phó Giám đốc BHXH cấp tỉnh, 514 Giám đốc và 156 Phó Giám đốc BHXH huyện, trong đó có 63% có trình độ Đại học; 21% ở độ tuổi dưới 40 và 26% cán bộ nữ.

BHXH Việt Nam cũng sớm xây dựng và ban hành Quyết định quy định cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của BHXH cấp tỉnh, huyện. Quy định việc phân cấp quản lý cán bộ, biên chế và tổng hợp danh sách công chức, viên chức, tiền lương thuộc hệ thống BHXH Việt Nam. Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc, từng bước bố trí, sắp xếp cán bộ cho phù hợp, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo các ban nghiệp vụ của BHXH Việt Nam.

Thời gian này, do yêu cầu nhiệm vụ, lãnh đạo BHXH Việt Nam thường xuyên phải công tác tại các tỉnh phía Nam. Được sự nhất trí của Bộ Nội vụ và sự đồng ý của Văn phòng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã thành lập Văn phòng đại diện phía Nam trên cơ sở tiếp nhận 04 cán bộ từ Văn phòng đại diện phía Nam của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 02 cán bộ của Công đoàn Ngành Cao su và 01 cán bộ của Ủy ban Thanh niên Việt Nam.

Bên cạnh việc kiện toàn bộ máy tổ chức, để tạo cơ chế tài chính cho các đơn vị chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, BHXH Việt Nam đã tạm thời ban hành các quy định quản lý tài chính và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Phối hợp với Vụ Chế độ kế toán -Kiểm tra, Bộ Tài chính, xây dựng chế độ kế toán BHXH (hệ thống tài khoản và hệ thống chứng từ, biểu mẫu kế toán) áp dụng từ ngày 01/10/1995. Tổ chức 07 lớp tập huấn nghiệp vụ cho gần 1.200 người là Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng, phó trưởng phòng BHXH các tỉnh, thành phố, Giám đốc BHXH huyện và cán bộ làm công tác kế toán về chế độ, chính sách BHXH và chế độ kế toán BHXH.

Những cán bộ đầu tiên của cơ quan BHXH Việt Nam

Chỉ trong 03 tháng cuối năm 1995, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận danh sách đối tượng từ Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội để đảm bảo chi trả các chế độ BHXH hàng tháng với tổng số 1.781.858 đối tượng, trong đó: 166.976 người hưởng hưu quân đội; 1.030.517 người hưởng hưu công nhân viên chức; 402.081 người hưởng chế độ mất sức lao động; 6.480 người hưởng chế độ tai nạn lao động và người phục vụ TNLĐ; 174.438 người hưởng tuất công nhân viên chức; 1.366 người hưởng chế độ đối với công nhân cao su.

Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 1995 của BHXH Việt Nam, trong năm 1995, BHXH Việt Nam đã cấp kinh phí để BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức chi trả các chế độ BHXH cho đối tượng với tổng số tiền 1.173.379  triệu đồng, trong đó: chi cho đối tượng hưởng lương hưu từ ngân sách do Ngành Lao động -Thương binh và Xã hội bàn giao là 1.149.000 triệu đồng; chi từ nguồn Quỹ BHXH cho đối tượng nghỉ hưu trong Quý IV/1995 và chi các chế độ ốm đau, thai sản là 24.379 triệu đồng.

Mặc dù việc tiếp nhận bàn giao các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH chậm, nhưng BHXH các tỉnh, thành phố vẫn đảm bảo chi trả cho các đối tượng đúng kỳ, đủ số, tận tay và an toàn nguồn quỹ, ở một số nơi còn bảo đảm sớm hơn từ 05 đến 07 ngày so với thời gian chi trả trước đây. Để đạt được kết quả này, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố hướng dẫn BHXH huyện rà soát toàn bộ danh sách đại lý chi trả và ký lại hợp đồng chi trả. Một số địa phương còn mạnh dạn thí điểm các bàn chi trả trực tiếp cho đối tượng hưởng BHXH như Thanh Hóa, Nam Hà (nay là Nam Định và Hà Nam), Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), Hà Tĩnh, Ninh Bình… Một số địa phương tổ chức vận chuyển tiền đến tận phường, xã để chi trả, đảm bảo kịp thời và an toàn như Bắc Thái (nay là Bắc Kạn và Thái Nguyên), Thái Bình, Nam Hà, Hà Nội, Hà Tây… Bên cạnh việc chi trả các chế độ BHXH, hệ thống BHXH Việt Nam còn thực hiện việc chi trả các chế độ ưu đãi cho người có công theo Quyết định số 425/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tinh thần thái độ phục vụ đầy trách nhiệm và hết lòng vì đối tượng của đội ngũ cán bộ, công chức Ngành BHXH đã được đối tượng ghi nhận, khen ngợi, đồng tình, ủng hộ./.

Dương Ngọc Ánh