BHXH tự nguyện: Của để dành của cụ bà làm nghề nông

26/09/2019 03:05 PM


Người phụ nữ lớn tuổi ngồi không rời mắt nhìn lên sân khấu của hội trường, chăm chú lắng nghe cán bộ tuyên truyền giới thiệu về chính sách BHXH tự nguyện. Khi thấy chương trình thông báo lập danh sách người tham gia BHXH tự nguyện, bà là người hăng hái đăng ký đầu tiên.

Bà Dương Thị Lý đang được cán bộ tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện. Ảnh Dân trí

Tham gia BHXH tự nguyện để yên tâm khi về già

Bà Dương Thị Lý, 62 tuổi, quê ở xã Đồng Trạch, Huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình chủ động đến Hội trường từ rất sớm. Làm nghề nông quanh năm gắn bó với đồng ruộng, cũng như nhiều người, bà từng có suy nghĩ “Khi làm ăn được, con cháu không quên phụng dưỡng. Nhưng khi gặp khó khăn, nếu cứ dựa hoàn toàn vào con cháu thì mình sẽ trở thành gánh nặng”.

Băn khoăn như được giải toả từ khi bà Lý nghe được thông tin về chính sách BHXH tự nguyện, nhận thấy được nhiều quyền lợi lâu dài. Nhất là khi tham gia, bà sẽ được lương hưu khi về già, sẽ chủ động được một phần cuộc sống và không phải dựa hoàn toàn vào con cháu. Thậm chí, người thân còn được hưởng chế độ tử tuất nếu chẳng may người tham gia qua đời.

Thấy nguyện vọng của vợ, chồng bà Dương Thị Lý ban đầu khuyên nên cân nhắc vì đã có khoản lương hưu hơn 4 triệu đồng/tháng, có thể đỡ đần cho vợ. Nhưng theo bà Lý, khoản lương hưu đó là vốn của chồng bà. Nếu có thêm 1 khoản lương hưu của bà, cuộc sống gia đình sau này của ông bà cũng được đỡ đần thêm.

Với khả năng tài chính hiện có, bà Lý quyết định tạm thời tham gia BHXH tự nguyện ở mức đóng trung bình. Bà nhẩm tính: "Năm nay, tôi đã 62 tuổi. Đóng đều mỗi năm cho tới năm 72 tuổi, lúc đó tôi có thể đóng thêm “trọn gói” cho cả 10 năm tiếp theo. Như vậy, thời gian để tới ngày nhận lương hưu từ việc tham gia BHXH tự nguyện cũng không dài lắm”.

Tiết kiệm 5000 đồng/ngày, về già sẽ được hưởng lương hưu

Tâm nguyện của bà Dương Thị Lý cũng là mong muốn chung của 85 trường hợp khác khi cùng bà đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại Hội nghị tuyên truyền của BHXH Quảng Bình tổ chức tại huyện Quảng Trạch vừa qua.

Ông Lê Văn Thanh - Phó Giám đốc BHXH huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, thời gian qua, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trong đó việc tuyên truyền lồng ghép thông qua hội nghị đã mang lại hiệu quả cao. Thống kê cho thấy, sau khi được tuyên truyền và giải đáp chính sách, trung bình có khoảng 40% người dân dự hội nghị đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, nhờ đó số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2017, huyện Bố Trạch chỉ có khoảng 600 người tham gia thì đến hết năm 2018, cả huyện đã có hơn 1.500 người; 6 tháng đầu năm 2019 có 2.261 người.

Số người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng cho thấy nhận thức của người dân về tính ưu việt của chính sách này được nâng cao. Đây là một trong những chính sách an sinh quan trọng, hướng tới đối tượng ở mọi lứa tuổi. Chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 5.000 đồng/ngày, người lao động sẽ được hưởng lương hưu khi về già và được cấp thẻ BHYT, tử tuất./.

PV (Theo báo Dân trí)