Nhiều ý kiến về đề xuất giảm giờ làm trong Dự thảo Bộ luật Lao động

17/09/2019 05:05 PM


Chiều ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số Hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe những ý kiến góp ý nhằm tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, nắm bắt tình hình thực tế để hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Cùng dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Phó Trưởng ban soạn thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; đại diện Văn phòng Chính phủ, các Hiệp hội doanh nghiệp dệt may, da giày…

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là một Bộ luật gốc liên quan tổng thể các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội. “Đây cũng là Bộ Luật có phạm vi đối tượng điều chỉnh rộng. Bộ Luật kỳ này có tác động sâu rộng qua nhiều vấn đề sửa đổi, nhiều vấn mới đưa vào luật đáp ứng hội nhập và các cam kết quốc tế. Đồng thời cũng để thực hiện lộ trình nhằm đảm bảo chủ trương Việt Nam phát triển nhanh và bền vững”. Trong quá trình đưa ra lấy ý kiến góp ý, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến về thời giờ làm việc bình thường, thời gian làm thêm, tiền lương, hợp đồng lao động, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu….“Rất khó để có thể tìm ra sự thoả mãn tất cả các đối tượng, do vậy, không có phương án tối ưu thì phải tìm phương án phù hợp nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), cụ thể về thời gian làm việc, VCCI đề nghị giữ nguyên thời gian làm việc như hiện nay, tức là mỗi người làm việc 48 giờ/tuần. Thời gian làm thêm trong năm nên tăng từ 200 giờ lên 500 giờ đối với trường hợp bình thường, tăng từ 300 giờ lên 500 đến 600 giờ trong trường hợp đặc biệt. Mức tiền lương làm thêm giờ nên giữ nguyên như các quy định hiện hành, còn việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện. Tiền lương ngừng việc trong trường hợp vì sự cố, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc vì lý do kinh tế mà người lao động phải ngừng việc thì hai bên nên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức tiền lương tối thiểu.

Về những quy định liên quan đến hợp đồng lao động, phía đại diện người lao động đề nghị Bộ luật Lao động (sửa đổi) có nội dung cho phép “ủy quyền lại”, tức là người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động được tiếp tục ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng lao động. Việc điều chuyển lao động được đề nghị sửa đổi theo hướng người sử dụng lao động được quyền chuyển tạm thời người lao động không cần sự đồng ý bằng văn bản của người lao động do yêu cầu sản xuất kinh doanh…Hình thức xử lý vi phạm kỷ luật lao động được đề nghị bổ sung thêm 2 hình thức là chuyển người lao động làm công việc khác với mức lương thấp hơn trong thời hạn 6 tháng hoặc hạ bậc lương…

Nêu ý kiến tại cuộc làm việc, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, cho biết, ngành da giày đang sử dụng 1,5 triệu lao động và việc tuyển dụng lao động đang gặp nhiều khó khăn. Nếu giảm giờ làm việc, doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động hoặc đầu tư vào máy móc, làm tăng thêm chi phí. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại buổi làm việc.

Đứng ở góc độ lợi ích cho ba vị trí là doanh nghiệp, người lao động và quốc gia thì mức giảm thời gian làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần như Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đưa ra nên được cân nhắc, bởi với người lao động thì chỉ được nghỉ thêm một ít thời gian, còn với doanh nghiệp việc giảm 4 giờ làm đồng nghĩa phải tuyển thêm 10% lao động.

Chỉ ra vấn đề chưa phù hợp với thực tế của Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng dự án Luật cần lưu ý tới tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp. So với 15 quốc gia có cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về xuất khẩu thì Việt Nam đang yếu thế hơn. Trong khi đó, những đề xuất tại Dự thảo lại chưa phù hợp như giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần; trần quy định giờ làm thêm không quá 400 giờ/năm, đặc biệt tiền lương giờ làm thêm được tính theo lương lũy tiến.

Bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, qua tham khảo pháp luật của các nước có thể thấy quy định thời giờ làm việc trong khoảng 40-44 giờ mỗi tuần đa phần đều thuộc về các quốc gia phát triển. Còn tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần của các quốc gia đang phát triển và đang cạnh tranh lao động gay gắt với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào... đều là 48 giờ mỗi tuần. 

Kết quả nghiên cứu về thời gian làm việc của 18 quốc gia gồm các nước tại ASEAN và một số nước thuộc khu vực châu Á có điều kiện tương tự Việt Nam cho thấy, có 6 nước quy định dưới 48 giờ/tuần, một nước trên 48 giờ là Hàn Quốc (52 giờ), 11 nước có thời giờ làm việc là 48 giờ mỗi tuần.

Bà Lan Anh cho rằng, với quy định thời gian làm việc tiêu chuẩn 48 giờ như hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải tổ chức làm thêm giờ mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Do vậy, nếu thời gian làm việc bị cắt giảm thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, gây mất niềm tin nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam. 

Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang rất khó tuyển lao động, trong khi tiền lương từ 2011 đến nay đã tăng gấp 3 lần. Việt Nam không còn lợi thế nhân công giá rẻ, chỉ còn lợi thế về nhân công chăm chỉ, cần cù, có tay nghề... Nếu rút thời gian làm việc chỉ còn 44 giờ mỗi tuần, các đơn hàng có thể chuyển sang các nước khác.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, với tư cách cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho biết, quan điểm của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội là không tăng thời gian làm thêm, cũng không giảm thời gian làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần như một số ý kiến trước đó.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, quan điểm của Ban soạn thảo là tiếp thu tất cả các ý kiến của Hiệp hội với phương châm chia sẻ, thấu hiểu, hài hoà, cùng tiến bộ. “Quan điểm của Ban soạn thảo là làm sao để tìm ra tiếng nói chung, bộ luật Lao động (sửa đổi) phải là bộ luật tiến bộ, hài hòa vì người lao động nhưng phải quan tâm tới sự phát triển của đất nước, quan tâm tới doanh nhân doanh, bởi có doanh nhân doanh nghiệp mới tạo ra việc làm, phát triển kinh tế xã hội” - Bộ trưởng nhấn mạnh./.

ST