Thí điểm thực hiện BHXH tại Ngành Tiểu thủ công nghiệp - tiền đề quan trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH

28/08/2019 01:36 PM


Hiện thực hóa quy định tại Hiến pháp năm 1980: “…các hợp tác xã thực hiện từng bước chế độ BHXH đối với xã viên”, trong giai đoạn 1975-1985, tuy chưa có các văn bản hướng dẫn của Nhà nước về chính sách đối với lao động làm việc ở các thành phần kinh tế để tổ chức thực hiện thống nhất trong cả nước nhưng ở một số ngành kinh tế tập thể, do thấy được nhu cầu cấp thiết về BHXH, đã chủ động tổ chức thực hiện các chế độ BHXH cho lao động làm việc tại ngành mình. Đây là những tiền đề thực tiễn quan trọng để xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH ở nước ta cho phù hợp với quá trình đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước sau này.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng kết quả sản xuất trong kế hoạch 05 năm lần thứ 01 (1976-1980) chưa tương xứng với sức lao động và vốn đầu tư bỏ ra. Những mất cân đối của nền kinh tế quốc dân còn trầm trọng; thu nhập quốc dân chưa bảo đảm được tiêu dùng của xã hội; thị trường, vật giá, tài chính, tiền tệ không ổn định; đời sống của nhân dân lao động còn khó khăn. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ngay từ những năm đầu của kế hoạch 05 năm lần thứ 02 (1981-1985), nhiều Nghị quyết, quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ được ban hành nhằm từng bước sửa đổi cơ chế quản lý đối với kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế tư nhân và xóa bỏ quan liêu bao cấp. Trước đó, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982), bước đầu có cách nhìn mới về nền kinh tế nhiều thành phần, thừa nhận miền Bắc tồn tại 03 thành phần kinh tế là quốc doanh, tập thể và cá thể; miền Nam tồn tại 05 thành phần kinh tế là quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, tư bản tư nhân và cá thể. Đó là bước khởi đầu thay đổi cơ cấu các chủ thể sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề cơ bản cho sự phát triển kinh tế thị trường. Những thay đổi về kinh tế - xã hội đã dẫn đến những đòi hỏi tất yếu phải thay đổi hệ thống chính sách xã hội phù hợp và đồng bộ.

Hiện thực hóa quy định tại Hiến pháp năm 1980: “…các hợp tác xã thực hiện từng bước chế độ BHXH đối với xã viên”, trong giai đoạn 1975-1985, tuy chưa có các văn bản hướng dẫn của Nhà nước về chính sách đối với lao động làm việc ở các thành phần kinh tế để tổ chức thực hiện thống nhất trong cả nước nhưng ở một số ngành, do thấy được nhu cầu cấp thiết về BHXH, đã chủ động tổ chức thực hiện các chế độ BHXH cho lao động làm việc tại ngành mình. Năm 1982, ngành Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp là ngành kinh tế tập thể đầu tiên có Điều lệ tạm thời về 06 chế độ BHXH. Tiếp đó, các ngành Thủy sản (ngày 19/09/1985), ngành Hợp tác xã mua bán (ngày 09/04/1986) cũng có quy định về chế độ BHXH đối với người lao động trong ngành mình. Trong các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện Quyết định số 15/HĐBT ngày 14/12/1983 của Hội đồng Bộ trưởng, ở nhiều địa phương đã thực hiện một số chế độ BHXH đối với xã viên hợp tác xã ở mức độ khác nhau. Việc thực hiện BHXH trong các đơn vị kinh tế tập thể này, đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định đời sống cho xã viên hợp tác xã khi ốm đau, tai nạn lao động, mất sức lao động hoặc khi tuổi già; đồng thời, tạo được niềm tin, phấn khởi cho người lao động làm việc ở khu vực này. Tuy nhiên, do chưa có sự chỉ đạo sát sao, quản lý thống nhất của Nhà nước, các quy định, cơ chế, chính sách BHXH và cách thức tổ chức thực hiện còn rất khác nhau ở các ngành. Trong đó, Ngành Tiểu thủ công nghiệp là một trong những ngành kinh tế tập thể tiên phong thực hiện BHXH cho người lao động.

Ngành Tiểu thủ công nghiệp thực hiện BHXH cho xã viên theo 02 giai đoạn:

+ Từ năm 1975, thí điểm BHXH ở Thị xã Thanh Hóa và một số nơi thuộc các tỉnh khác, sau đó rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng hơn.

+ Đến năm 1982, ban hành Điều lệ BHXH tạm thời quy định 06 chế độ BHXH cho toàn ngành, gồm chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, mất sức lao động, hưu trí và tử tuất. Cụ thể, về đối tượng tham gia, tính đến ngày 30/06/1988, cả nước đã có 3.982 hợp tác xã với 360.483 xã viên tham gia BHXH. Ngoài ra, còn có gần 21.000 lao động làm việc trong các tổ hợp thuộc ngành này tham gia BHXH.

Quỹ BHXH của ngành Tiểu thủ công nghiệp được hình thành từ các nguồn như xã viên hợp tác xã đóng góp một lần ban đầu bằng 01 tháng tiền công; hợp tác xã trích hằng tháng 8% (sau nâng lên 15%) tổng quỹ tiền công để đóng góp vào quỹ. Trong đó, 6% (sau nâng lên 10%) dùng để chi 04 chế độ BHXH mà Liên hiệp xã tỉnh, thành phố quản lý, gồm hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động và mất sức lao động; 2% (sau nâng lên 5%), để lại lập quỹ để chi 02 chế độ mà cơ sở (hợp tác xã, các tổ hợp) quản lý là ốm đau, thai sản. Ngoài ra, quỹ còn có các nguồn thu khác như tiền lãi gửi ngân hàng, tiền ủng hộ của các tổ chức cho quỹ.

Về tổ chức quản lý thực hiện chế độ BHXH của ngành Tiểu thủ công nghiệp lúc bấy giờ được quy định như sau: Liên hiệp xã tỉnh, thành phố tổ chức quản lý 04 chế độ BHXH cho xã viên; các hợp tác xã tổ chức quản lý 02 chế độ. Đồng thời, Liên hiệp xã Trung ương có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Tính đến ngày 30/06/1988, cả nước có 15.000 người được hưởng các chế độ hưu trí và tuất hằng tháng, mức trợ cấp bình quân tương đương 10kg gạo/người/tháng. Có thể khẳng định, ngành Tiểu thủ công nghiệp là đơn vị kinh tế tập thể ngoài quốc doanh thực hiện BHXH sớm nhất. Trong quá trình thực hiện, đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, từ năm 1986, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, việc đổi mới cơ chế quản lý khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện Điều lệ BHXH tạm thời của ngành đối với xã viên. Đặc biệt, khi giá cả biến động, Nhà nước bỏ cơ chế bao cấp về giá mua lương thực, tem phiếu... thì mức hưởng BHXH so với thị trường tự do quá thấp, không đảm bảo được đời sống cho người hưởng BHXH... Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, song không thể phủ nhận việc thực hiện thí điểm BHXH tại Ngành Tiểu thủ công nghiệp có ý nghĩa thực tiễn quan trọng với việc xây dựng chính sách BHXH ở nước ta sau này, khi chúng ta chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa./.

ThS. Dương Ngọc Ánh