Các chế độ BHXH ngắn hạn trong Điều lệ BHXH đầu tiên
02/08/2019 09:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961 ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân, viên chức nhà nước. Đây được coi là Điều lệ BHXH đầu tiên của nước ta. Dù còn rất sơ khai nhưng bản điều lệ đã thể hiện khá rõ các nguyên tắc cũng như các chế độ BHXH. Trong đó, các chế độ BHXH ngắn hạn đến nay vẫn còn có nhiều điểm tiến bộ...
1. Chế độ đãi ngộ công nhân, viên chức nhà nước khi ốm đau (sau này gọi chung là chế độ ốm đau)
Công nhân, viên chức nhà nước khi ốm đau được khám bệnh và điều trị tại những cơ sở y tế của Nhà nước. Mọi chi phí về khám bệnh, thuốc men và bồi dưỡng do Nhà nước đài thọ. Trong suốt thời gian nghỉ việc vì ốm đau, được thầy thuốc chứng nhận, cho đến khi khỏi bệnh trở lại làm việc hay được xác nhận là không còn khả năng làm việc nữa, công nhân, viên chức nhà nước không hưởng lương mà hưởng trợ cấp bằng 70% mức lương kể cả phụ cấp (nếu có) trong 03 tháng đầu và bằng 60% mức lương kể cả phụ cấp khi nghỉ từ tháng thứ 04 trở đi nếu có thời gian công tác liên tục từ 01 đến hết 03 năm; hưởng 80% lương, phụ cấp trong 03 tháng đầu và 70% kể từ tháng thứ 04 nếu có thời gian công tác liên tục từ trên 03 năm đến hết 07 năm; bằng 90% lương trong 03 tháng đầu và 80% kể từ tháng thứ 04 trở đi nếu có thời gian công tác liên tục từ trên 07 năm đến hết 12 năm và nếu có thời gian công tác trên 12 năm, mức hưởng sẽ là 100% lương, phụ cấp trong 03 tháng đầu và bằng 90% kể từ tháng thứ 04 trở đi. Công nhân viên chức nhà nước công tác dưới 01 năm được trợ cấp bằng 70% lương và phụ cấp (nếu có) trong thời hạn nhiều nhất là 03 tháng. Hết hạn này mà bệnh chưa khỏi, nếu gặp khó khăn túng thiếu, đương sự sẽ được giúp đỡ như nhân dân (do Quỹ Cứu tế xã hội của địa phương đài thọ).
Công nhân, viên chức nhà nước là Anh hùng lao động, Anh hùng quân đội chuyển ngành được trợ cấp theo loại IV. Trường hợp là thương binh và công nhân, viên chức công tác ở miền núi hay ở nghề đặc biệt nặng nhọc được trợ cấp theo loại trên liền với loại mà mình được hưởng theo quy định về thời gian công tác. Mức trợ cấp thấp nhất cho công nhân, viên chức nhà nước khi ốm đau là 22 đồng/tháng. Sau khi điều trị, nếu còn sức khỏe để làm việc, công nhân, viên chức sẽ được tiếp tục làm công việc cũ hoặc được bố trí công việc thích hợp, và hưởng lương theo công việc mới. Nếu vì kém sức khỏe mà phải thôi việc, thì được hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động nếu có đủ điều kiện. Trường hợp bị tai nạn không thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động cũng được đãi ngộ như khi ốm đau. Nữ công nhân, viên chức được bác sĩ chứng nhận phải nghỉ việc để trông nom con nhỏ ốm đau, được hưởng trong một thời gian nhất định mức trợ cấp như khi bản thân ốm đau. Trường hợp mẹ chết, con nhỏ ở với cha hay vì điều kiện đặc biệt mẹ không thể trông nom con, thì người cha (là công nhân, viên chức nhà nước) phải nghỉ việc để trông nom con ốm cũng được hưởng khoản trợ cấp này.
2. Chế độ đãi ngộ nữ công nhân, viên chức nhà nước khi có thai và khi đẻ (sau này gọi chung là chế độ thai sản)
Nữ công nhân, viên chức nhà nước được nghỉ trước và sau khi đẻ tất cả là 60 ngày (kể cả chủ nhật, ngày lễ). Nếu đẻ sinh đôi thì được nghỉ thêm 10 ngày, sinh ba được thêm 20 ngày. Trường hợp làm nghề đặc biệt nặng nhọc, ngoài thời gian nghỉ đẻ quy định chung, được nghỉ thêm 15 ngày. Trường hợp đẻ non, có bác sĩ chứng nhận, cũng được nghỉ 60 ngày. Trường hợp bị sảy thai, tùy theo tình hình sức khỏe được nghỉ như sau: Sảy thai từ 03 tháng tuổi trở xuống, nghỉ từ 07 - 15 ngày; sảy thai trên 03 tháng, nghỉ từ 15 - 30 ngày. Người làm nghề đặc biệt nặng nhọc bị sảy thai được nghỉ thêm từ 03 - 10 ngày và số ngày cần nghỉ do bác sĩ định. Trong thời gian nghỉ đẻ và nghỉ vì đẻ non hay sảy thai, nữ công nhân, viên chức nhà nước được hưởng trợ cấp thay tiền lương bằng 100% lương kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có). Cụ thể, được hưởng tiền bồi dưỡng 12 đồng, tiền sắm tã lót 08 đồng. Nếu đẻ sinh đôi, sinh ba thì được hưởng các khoản này gấp đôi, gấp ba.
Nữ công nhân, viên chức nhà nước khi sảy thai được điều trị và bồi dưỡng ở bệnh viện theo chế độ đãi ngộ khi ốm đau. Nếu vì xa bệnh viện, bệnh xá, phải nghỉ ở nhà, thì được trợ cấp một khoản tiền bồi dưỡng là 06 đồng. Trường hợp sức khỏe suy nhược, được bác sĩ chứng nhận là không thể trở lại làm việc ngay khi hết hạn nghỉ như đã quy định ở trên, thì được đãi ngộ như khi đau ốm. Trường hợp bị mất sữa hoặc không được cho con bú vì mắc bệnh truyền nhiễm, được trợ cấp mỗi tháng 10 đồng cho mỗi đứa con tới khi con đủ 10 tháng. Nếu sinh đôi, sinh ba, dù có sữa cho con bú, cũng được hưởng khoản trợ cấp 10 đồng/tháng cho con thứ hai trở đi. Trường hợp mẹ (là công nhân, viên chức nhà nước) chết hoặc nam công nhân, viên chức nhà nước có vợ không phải là công nhân, viên chức nhà nước chết, khi con chưa được 10 tháng, thì người nuôi con được hưởng trợ cấp này.
3. Chế độ đãi ngộ công nhân, viên chức nhà nước khi bị tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp
Công nhân, viên chức nhà nước bị tai nạn lao động được hưởng tiền thuốc men, bồi dưỡng, tiền phí tổn về tàu xe đi bệnh viện và ở bệnh viện về trong thời gian điều trị, kể cả thời gian điều trị khi vết thương tái phát, do Nhà nước đài thọ. Được hưởng trợ cấp thay tiền lương bằng 100% lương kể cả phụ cấp (nếu có) trong suốt thời gian điều trị cho đến khi khỏi bệnh hay thành cố tật. Được xếp hạng thương tật và hưởng trợ cấp cho đến khi thương tật được chữa lành hay đến khi chết (trừ trường hợp được về hưu) với mức hưởng trợ cấp 01 lần bằng từ 01 - 04 tháng lương chính khi mất từ 05 - 30% sức lao động; được trợ cấp hằng tháng bằng 7% lương chính khi mất từ 31 - 40% sức lao động; bằng 10% lương chính khi mất từ 41 - 50% sức lao động; bằng 15% lương chính khi mất từ 51 - 60% sức lao động; bằng 25% lương chính khi mất từ 61 - 70% sức lao động; bằng 50% lương chính khi mất từ 71 - 80% sức lao động; bằng 60% lương chính khi mất từ 81 - 90% sức lao động và được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng 70% lương chính khi mất từ 91 - 100% sức lao động. Trường hợp do tai nạn, người bị tai nạn lao động cần dùng chân tay giả, mắt giả, kính, máy điếc... thì được cấp phát không phải trả tiền. Trường hợp bị tai nạn lao động mất từ 70% sức lao động trở xuống, nếu không thể tiếp tục công việc cũ, thì được bố trí công việc mới hợp với khả năng và hưởng lương theo công việc mới. Trường hợp vì lợi ích chung có hành động hy sinh dũng cảm, dẫn đến bị tai nạn lao động, nếu do thương tật mà khả năng lao động giảm sút và lương mới cộng với trợ cấp thương tật hàng tháng không bằng lương cũ, thì được hưởng thêm một khoản phụ cấp chênh lệch cho bằng lương cũ. Nếu trở thành tàn phế, phải thôi việc, thì được hưởng trợ cấp thương tật hằng tháng bằng 100% lương chính khi bị nạn.
Trường hợp bị tai nạn lao động không còn khả năng làm việc, nếu mức trợ cấp hằng tháng không đủ 22 đồng thì được nâng lên bằng mức đó. Ngoài trợ cấp thương tật, trường hợp tàn phế cần phải có người phục vụ được thêm một khoản trợ cấp bằng 10% lương chính. Trường hợp không có nơi nương tựa sẽ được thu nhận vào nhà an dưỡng. Khi vào nhà an dưỡng, nếu trợ cấp thương tật thấp hơn mức sinh hoạt thấp nhất của nhà an dưỡng, thì được nâng lên bằng mức đó.
Công nhân, viên chức nhà nước bị tai nạn lao động, khi mới thôi việc được trợ cấp thêm khoản tiền lĩnh làm một lần, bằng 01 tháng lương, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có). Khi thôi việc, đang được hưởng trợ cấp con, thì vẫn được tiếp tục lĩnh trợ cấp của những đứa con đó theo chế độ hiện hành. Khi ốm đau, công nhân, viên chức nhà nước bị tai nạn lao động đã thôi việc được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thuộc địa phương nơi cư trú, được hưởng chế độ thuốc men, bồi dưỡng; khi chết, được trợ cấp tiền chôn cất theo quy định, thân nhân do người đó khi còn sống phải nuôi dưỡng được hưởng tiền tuất hằng tháng theo quy định. Trường hợp bị cố tật vì tai nạn lao động, nếu được chuyển sang học nghề mới, thì trong thời gian học nghề, ngoài phụ cấp thương tật hằng tháng, được hưởng sinh hoạt phí theo chế độ đối với công nhân, viên chức được cử đi học nghề nhưng 02 khoản cộng lại không được quá 100% lương chính khi bị nạn. Sau khi học thành nghề, sẽ hưởng lương theo công việc mới và trợ cấp thương tật hàng tháng của mình. Trường hợp chết vì tai nạn lao động hay do vết thương vì tai nạn lao động cũ, thì thân nhân được trợ cấp tiền chi phí về chôn cất và tiền tuất theo quy định. Đặc biệt, các quy định về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được áp dụng chung cho mọi công nhân, viên chức nhà nước, kể cả những người làm việc tạm thời theo thời vụ, theo hợp đồng trong một thời gian ngắn.
4. Chế độ đãi ngộ công nhân, viên chức nhà nước thôi việc vì mất sức lao động
Công nhân, viên chức nhà nước mất sức lao động vì đau ốm, tai nạn không thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp về tai nạn lao động hoặc vì già, yếu nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí, phải thôi việc, khi đã công tác liên tục từ 05 năm trở lên, được hưởng trợ cấp hằng tháng cho đến khi sức khỏe hồi phục hay chết, với mức hưởng bằng 35% lương chính. Nếu thời gian công tác liên tục trên 05 năm, từ năm thứ 06 - 10, mỗi năm thêm 1% lương chính; từ năm thứ 11 trở đi, mỗi năm thêm 2% lương chính, song tối đa không quá 65% lương chính. Người tàn phế cần phải có người phục vụ được hưởng thêm hàng tháng một khoản trợ cấp bằng 10% lương chính. Nếu trước khi thôi việc, vì sức khỏe sút kém phải chuyển sang làm việc nhẹ, hưởng lương thấp hơn trước, thì được lấy mức lương của công việc trước khi chuyển sang việc nhẹ để tính trợ cấp hàng tháng. Mức trợ cấp thấp nhất cho công nhân, viên chức nhà nước có thời gian công tác liên tục từ 05 năm trở lên mất sức lao động phải thôi việc là 15 đồng/tháng. Công nhân, viên chức nhà nước mất sức lao động phải thôi việc, khi mới thôi việc được trợ cấp thêm một khoản tiền bằng 01 tháng lương kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có). Công nhân, viên chức nhà nước có thời gian công tác liên tục từ 05 năm trở lên mất sức lao động đã thôi việc, khi ốm đau được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thuộc địa phương nơi cư trú; được hưởng chế độ thuốc men, bồi dưỡng; khi chết được trợ cấp tiền chi phí về chôn cất theo quy định. Tính từ ngày thôi việc, cứ 02 năm/lần, công nhân, viên chức nhà nước mất sức lao động sẽ được Hội đồng Giám định y khoa nơi cư trú khám lại. Căn cứ vào kết luận của Hội đồng Giám định y khoa, cơ quan quản lý Quỹ BHXH ở địa phương sẽ quyết định việc ngừng hoặc tiếp tục trợ cấp mất sức lao động. Công nhân, viên chức nhà nước mất sức lao động phải thôi việc, mà đã công tác liên tục dưới 05 năm, được trợ cấp một lần, cứ mỗi năm bằng một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng 02 tháng lương, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có)./.
ThS. Dương Ngọc Ánh
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH Việt Nam thành lập Tổ tính toán cân đối quỹ BHXH, ...
BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý cảnh báo chiến dịch tấn ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?