Cho ý kiến về định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

07/08/2019 10:00 AM


Chiều 06/8, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho ý kiến về định hướng giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Tham gia phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan, các hiệp hội, doanh nghiệp cùng các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh quochoi.vn

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 đã có 170 ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và 26 ý kiến của đại biểu phát biểu tại hội trường. Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiến hành rà soát, chỉnh lý 140 điều, khoản của dự thảo Bộ luật và bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc về kỹ thuật lập pháp, tính thống nhất.

Trao đổi về một số nội dung sửa đổi của dự án Bộ luật, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu rõ, các nội dung lớn của dự án luật gồm phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; tiền lương làm thêm; tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thường; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; vấn đề đình công; thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động.

Một số nội dung cụ thể khác như hợp đồng lao động và thử việc; phụ lục hợp đồng lao động; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; về tiền lương; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động; giải quyết tranh chấp lao động.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, một số đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Bộ luật đối với nhóm lao động khu vực phi chính thức (không có quan hệ lao động) do đây là nhóm chiếm tỷ trọng khá lớn trong lực lượng lao động ở nước ta.

Trình Phương án 1 trong tăng tuổi nghỉ hưu

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Ban soạn thảo, ông Doãn Mậu Diệp - Phó Trưởng ban soạn thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) cho biết, tiếp thu ý kiến thẩm tra và phát biểu của các ĐBQH, ngay sau Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV, Bộ LĐ-TBXH đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Bộ luật. Ngoài tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân góp ý dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ và trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ cũng còn chủ trì 8 cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau tại các vùng, miền.

Phó Trưởng ban soạn thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp báo cáo tại phiên họp. Ảnh quochoi.vn

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, ông Doãn Mậu Diệp cho biết, qua tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động, đa số ý kiến đồng ý điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo Phương án 1: Kể từ 01/01/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi vào năm 2028. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị có phương án cụ thể về những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung; làm rõ căn cứ, cơ sở để quy định khoảng cách tuổi nghỉ hưu là 2 tuổi giữa nam và nữ”, Ông Diệp nói và cho biết, Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp tới sẽ chỉ quy định Phương án 1.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TBXH đang tiến hành tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành một danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Dự kiến tháng 9 hoàn thành.

“Đối với một số công việc có tính chất đặc thù như xiếc, thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non… sẽ được quy định theo hướng: khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù thì người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp, trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm".

Về quy định nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, ông Doãn Mậu Diệp cho hay Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý, và đảm bảo theo 3 nguyên tắc: chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi trao tại cuộc họp. Ảnh quochoi.vn

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, Ủy ban dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định việc mở rộng đối tượng áp dụng tại điều khoản thi hành của Bộ luật đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động về một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện lao động như an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, BHXH… nhằm bảo đảm tốt hơn về điều kiện, tiêu chuẩn lao động và phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành được tách ra từ Bộ luật Lao động cũng như  khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Bên cạnh đó cũng đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo cần bổ sung báo cáo đánh giá về việc thực hiện nội dung này của các Luật đã được tách ra từ Bộ luật Lao động hiện hành nhằm làm rõ hơn về tính tương thích khi mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Bộ luật.

Mở rộng khung giờ làm thêm chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định

Về mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng lên tối đa 400 giờ/năm nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng. Một số ý kiến cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này đề phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam.

Đối với nội dung này, Ban soạn thảo đề nghị tiếp thu theo hướng quy định trần tối đa làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ; quy định các trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc tổ chức làm thêm giờ. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo đề nghị quy định mức tiền lương làm thêm giờ ít nhất bằng 150%-200%-300% so với làm việc vào giờ làm việc bình thường và việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn mức trên thì do hai bên thỏa thuận.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh kết luận phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn

Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhưng cần quy định về lương làm thêm giờ theo hướng lũy tiến. Các đại biểu cho rằng, việc quy định theo hướng này vừa nhẳm bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động cũng như để người sử dụng lao động cân nhắc, tính toán nếu thật sự cần thiết mới huy động làm thêm giờ.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu, Ban soạn thảo sẽ có tổng hợp, nghiên cứu và có báo cáo Chính phủ để Chính phủ có quan điểm chính thức để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 này.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh đây là dự án Luật khó, phức tạp, đề nghị Ban soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Về các vấn đề xã hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Bộ luật; đồng thời đề nghị các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục góp ý cho dự thảo Bộ luật. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp thì Ủy ban cũng sẽ có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến./.

PV