Phát triển doanh nghiệp gắn với nâng cao đời sống của người lao động

19/09/2019 01:13 AM


Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa có buổi làm việc với Tổng Công ty May 10 về việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Công ty May 10 cho biết, Tổng Công ty May 10 là đơn vị có bề dày truyền thống lâu đời nhất Việt Nam với trên 70 năm xây dựng và phát triển. Hiện nay, Tổng công ty May 10 đã có 17 xí nghiệp thành viên và liên doanh góp vốn trải dài trên 7 tỉnh thành trên cả nước như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh... (trong đó có 10 xí nghiệp thành viên 100% vốn Nhà nước) với nhà xưởng khang trang, máy móc thiết bị hiện đại. Hàng năm May 10 xuất khoảng 30 triệu sản phẩm quy chuẩn như sơ mi, veston, quần âu, jacket…rất được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước; tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho trên 12.000 lao động. Thu nhập bình quân của người lao động là 8 triệu/tháng.

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, nếu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình về thời gian. Đồng thời quy định cụ thể theo từng nhóm, trong đó có nhóm nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu chung 5 tuổi - vì công nhân may thường bị suy giảm khả năng lao động do tính chất công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại. Nghỉ hưu sớm 5 năm nhưng người lao động vẫn phải được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, những lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao thì cần được kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Theo ông Thân Đức Việt, đặc thù ngành may làm việc theo mùa vụ, mỗi năm chỉ có 6-8 tháng nhiều việc, còn lại là các tháng ít việc. Vì thế, nếu người lao động đồng ý thì cần bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 12 giờ/ngày. Tổng giờ làm việc trong tuần vẫn giữ nguyên ở mức không quá 48 giờ và đợi khi nào kinh tế đất nước tốt hơn thì mới tính đến việc giảm giờ làm việc trong tuần xuống 44 tiếng.

Về thời giờ làm thêm, May 10 kiến nghị tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong năm từ 300giờ/năm thêm 100 giờ lên 400 giờ/năm;Tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng hoặc bỏ quy định về trần số giờ làm thêm trong tháng và quy định cụ thể các trường hợp được thỏa thuận làm thêm giờ đến 400 giờ/năm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà cho cán bộ, công nhân Tổng công ty May 10

Liên quan về tiền lương làm thêm giờ, Tổng Công ty May 10 kiến nghị giữ nguyên quy định như hiện nay về tiền lương làm thêm giờ. Làm thêm ngày thường thì hưởng 150% lương, làm thêm ngày thứ bảy, chủ nhật hưởng 200% lương và làm thêm ngày lễ, tết được hưởng 300% lương, ngày nghỉ có hưởng lương.

Đại diện cho công nhân lao động, bà Trần Quý Dân - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10 mong muốn Bộ LĐ-TBXH nghiên cứu sâu, lắng nghe ý kiến của lao động các ngành nghề, từ đó đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng ngành để anh em công nhân phát huy trí tuệ và hoàn thành tốt công việc.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc đề nghị Tổng Công ty tiếp tục tổng kết thực tiễn, duy trì những gì đặc trưng của mình tạo ra một Tổng công ty phát triển bền vững trong ngành dệt may. Phấn đấu là doanh nghiệp mạnh, năng suất lao động cao, công nghệ đổi mới nhưng phải đồng bộ quan tâm đến đời sống, văn hóa, đào tạo bồi dưỡng cho người lao động.

Đề cập đến thời giờ làm thêm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc làm thêm giờ là cần thiết, là nhu cầu chính đáng của người lao động. Kinh nghiệm cho thấy các nước còn nghèo thì thời gian làm thêm càng nhiều. Do đó, việc cân nhắc thời gian làm thêm như thế nào cho phù hợp để đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển nhưng cũng đồng thời chăm lo tốt hơn cho người lao động. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận, một số ngành nghề áp lực về thời gian làm thêm như: dệt may, thủy sản, linh kiện điện tử, nông nghiệp và trong một số điều kiện cụ thể như hỏa hoạn, thiên tai... cần có sự điều chỉnh. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ linh hoạt vấn đề này.

Về lao động nữ, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, xu hướng chung của thế giới là tạo điều kiện theo hướng phát triển quyền lựa chọn của phụ nữ, trên cơ sở đảm bảo vai trò của người phụ nữ được lựa chọn một cách phù hợp.

Khẳng định vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, chỉ những người lao động bình thường mới đủ điều kiện tăng dần tuổi nghỉ hưu; còn trường hợp suy giảm sức khoẻ, giảm khả năng lao động, người làm việc nặng nhọc, độc hại, công việc đặc biệt... thì tuổi nghỉ hưu có thể giảm 5 năm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những ý kiến góp ý thực tiễn hoạt động vào Bộ luật Lao động (sửa đổi) của May 10, Ban soạn thảo tiếp thu, ghi nhận và chọn lọc để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Bộ luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp ngày 20/9./.

PV