Trở thành nước có thu nhập cao hơn, phải có đột phá về chính sách

28/06/2017 04:30 PM


Đây là phát biểu của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề ”Phát huy nội lực, phát triển bền vững” tại Hà Nội diễn ra ngày 27/6, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam tổ chức.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã chỉ ra rằng: “Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế".

Do vậy, theo ông Bình, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn.

“Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách”, ông Bình nói.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), trong số 113 nước thuộc nhóm thu nhập trung bình vào năm 1960, đến nay chỉ có 13 nước vượt thành công bẫy thu nhập trung bình và trở thành những nước có thu nhập cao, tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…

“Vậy lựa chọn của Việt Nam là gì? Chúng ta cần làm gì để giải quyết bài toán phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong trung và dài hạn, giúp Việt Nam trở thành nước tiếp theo thành công vượt bẫy thu nhập trung bình và để sớm đưa Việt Nam trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đặt vấn đề.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định quyết tâm của Chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Ông Đông cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong nửa đầu năm có khả năng đạt khoảng từ 5,5-5,7%, xấp xỉ bằng mức tăng trưởng theo yêu cầu mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các ngành.

“Đánh giá sơ bộ có thể thấy rằng, kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bước đầu có những kết quả tích cực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% của cả năm 2017”, ông Đông nói.

Thảo luận tại diễn đàn, TS.Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Chương trình Kinh tế Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) nhận xét, mức tăng trưởng 5,1% trong quí I/2017 là “gây ngạc nhiên” bởi trước đó, kỳ vọng chung vào thời điểm cuối 2016 là kinh tế sẽ khởi sắc hơn khi bước vào 2017.

“Như vậy, Chính phủ hiện nay đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế. Mức tăng GDP của hai năm đầu nhiệm kỳ này đều thua so với năm cuối của nhiệm kỳ trước”, ông Thành nhận xét.

Theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế chỉ có thể đạt mức 6,3-6,4% cho năm nay.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 được tổ chức thành chuỗi hội thảo, trong đó có hội thảo “Ổn định kinh tế vĩ mô - Động lực phát triển”, cùng với 2 hội thảo chuyên đề về “Phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả” và “Phát triển ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam, tầm nhìn 2035”.

Qua đó xác định những điểm nghẽn, những nút thắt và đề xuất những giải pháp mang tính trung và dài hạn cho nền kinh tế như định vị kinh tế Việt Nam trong chuỗi cạnh tranh kinh tế toàn cầu, qua đó đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình; nhận dạng và đánh giá những nguồn nội lực của đất nước, nhất là những nguồn lực chưa được phát huy đầy đủ; đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Từ đó, đưa ra các đề xuất về chủ trương, chính sách đối với từng ngành, từng lĩnh vực then chốt để Việt Nam có thể phát huy nội lực, tiềm năng và thế mạnh./.

Theo baodansinh.vn