Đại biểu Quốc hội kỳ vọng sửa đổi Luật Dược sẽ giải quyết vướng mắc, tăng tiếp cận thuốc của người dân

26/06/2024 03:43 PM


Chiều 26/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngày 18/6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, với 72 lượt ý kiến phát biểu, 5 đại biểu gửi góp ý bằng văn bản.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, bên cạnh 6 vấn đề chung, 8 vấn đề cụ thể đã được báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội nêu, các vị ĐBQH quan tâm thảo luận một số nội dung: Phát triển công nghiệp dược; các hình thức, phương thức kinh doanh dược mới; quản lý giá thuốc; vấn đề ô-xy y tế; cấp chứng chỉ hành nghề.

Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược chiều 26/6 (Ảnh quochoi.vn)

Cho ý kiến tại hội trường, ĐBQH Lê Văn Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nói, qua nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cho thấy, nếu dự án luật được thông qua sẽ giải quyết hầu hết các vướng mắc, bất cập; đồng thời bổ sung nhiều vấn đề mới, bảo đảm tăng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Cường cho biết, về chính sách phát triển dược, dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung rất nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên, hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như: Nghiên cứu khoa học, ưu đãi đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, chính sách thuế…, đại biểu cho rằng, để chính sách triển khai thực tế cần quy định cụ thể ưu đãi đó là gì; trình tự, hồ sơ, thủ tục… để nhận được ưu đãi của nhà nước.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo luật việc giao cho Chính phủ, hoặc các bộ, ngành có thẩm quyền quy định chi tiết các chính sách của Nhà nước về dược.

Liên quan đến vấn đề kinh doanh dược theo hình thức thương mại điện tử (TMĐT), ĐBQH Lê Văn Cường cho rằng, việc kinh doanh dược theo hình thức TMĐT là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc kinh doanh dược là hết sức đặc thù nên cần phải có quy định chặt chẽ hơn.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nhìn nhận, dự thảo luật đã tiếp thu, sửa đổi nhiều nội dung, bổ sung thêm các điểm, khoản trong Điều, đặc biệt nhiều điểm, khoản đều phải sửa dẫn chiếu áp dụng, chưa tính đến nội dung rà soát với các quy định của pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Thuế giá trị giá tăng, Luật Xuất nhập khẩu…

Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều 32 về kinh doanh được, nguyên liệu làm thuốc bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức điện tử, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên nhất trí với nội dung bổ sung quy định trong dự thảo luật này. Quy định này sẽ phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng. Do đó, đại biểu cho rằng, cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức TMĐT. Đồng thời phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro phát sinh nhằm bảo vệ người sử dụng được an toàn./.

Phạm Chính