Hôm nay 24/6, Quốc hội sẽ biểu quyết về quyết toán ngân sách nhà nước

24/06/2024 09:10 AM


Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 24/6, Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Chú thích ảnh

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội (nguồn: Internet)

Quốc hội thảo luận ở hội trường về 2 dự án Luật là: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người gồm 8 chương, 66 điều. Theo đó, dự thảo Luật bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân...

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo sự thống nhất trong quy định của pháp luật, phù hợp với Nghị định thư về việc phòng ngừa, trừng trị và trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Dự thảo Luật bổ sung quy định về khái niệm “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” và bổ sung quy định về chế độ hỗ trợ, bảo vệ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân gồm: hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ chi phí phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, đây là nhóm đối tượng rất cần được hỗ trợ, bảo vệ; việc bổ sung những quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng khi tiếp nhận những đối tượng này thực hiện các chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế, ổn định tâm lý…) cho họ.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật hiện hành gồm: Tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú; được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; được hỗ trợ để ổn định tâm lý. Tất cả nạn nhân được trợ giúp pháp lý. Khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống...

Tú Linh (Theo Baotintuc.vn)