Cả nước có gần 179.000 người đang điều trị thuốc kháng HIV do BHYT chi trả

27/06/2024 02:11 PM


Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến thời điểm hiện tại cả nước phát hiện gần 250.000 người nhiễm HIV. Đến hết 31/12/2023, toàn quốc có 178.928 người, trong đó có 2.709 trẻ em và 154.539 người đang điều trị thuốc ARV do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, chiếm 86,4%.

Gần 179.000 người đang điều trị thuốc ARV do BHYT chi trả

Trong năm 2023, phát hiện 13.445 trường hợp HIV dương tính mới, 1.623 trường hợp tử vong. Số người nhiễm HIV biết tình trạng bệnh là 234.220 trường hợp. Kể từ đầu dịch đến nay đã có 114.195 người nhiễm HIV tử vong.

Toàn quốc có gần 179 nghìn người đang điều trị thuốc ARV do BHYT chi trả (Ảnh minh họa: IN).

Về điều trị thuốc kháng HIV (ARV), hiện có 534 cơ sở y tế điều trị HIV trên toàn quốc trong đó có 513 cơ sở sử dụng thuốc do bảo hiểm y tế chi trả. Số người bệnh HIV đang điều trị bằng thuốc ARV tiếp tục tăng.

Đến hết 31/12/2023, toàn quốc có 178.928 người, trong đó có 2.709 trẻ em và 154.539 người đang điều trị thuốc ARV do bảo hiểm y tế chi trả, chiếm 86,4%. Với kết quả trên, tỉ lệ người nhiễm HIV được phát hiện được điều trị ARV (chỉ tiêu 90 thứ hai) đạt 80%.

Trong số bệnh nhân đang điều trị ARV có 82% được làm xét nghiệm tải lượng HIV nhằm theo dõi hiệu quả điều trị ARV. 98,3% người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (dưới 1000 bản sao/mL máu). Kết quả này vượt chỉ tiêu 95% trong Chiến lược quốc gia hướng đến kết thúc AIDS vào năm 2030.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2023 cho rằng, khi tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì người nhiễm HIV gần như không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục.

Trong khi đó, lây truyền HIV qua quan hệ tình dục hiện đang là con đường lây nhiễm HIV chính ở Việt Nam. Điều này cho thấy, việc mở rộng và duy trì điều trị ARV bảo đảm chất lượng, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm nguy cơ nhiễm HIV mới trong cộng đồng.

Tuy nhiên, do khó khăn trong quá trình tự mua sắm thuốc điều trị HIV nên thời gian gần đây, một số tỉnh, thành phố lo lắng nguy cơ có thể bị gián đoạn thiếu thuốc bảo hiểm y tế. Việc này khiến nhiều bệnh nhân nhiễm HIV lo lắng bị gián đoạn thuốc sẽ nguy cơ tiến triển tình trạng bệnh.

Bảo đảm điều trị bền vững cho bệnh nhân HIV

Đưa ra giải pháp giải quyết nguy cơ thuốc thuốc điều trị ARV trong thời gian tới, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua Cục đã nhận được thông tin từ các tỉnh, thành phố như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Kiên Giang, Vĩnh Long… về nguy cơ gián đoạn thuốc ARV bảo hiểm y tế điều trị người bệnh HIV và khó khăn trong quá trình tự mua sắm thuốc Tenofovir disoproxil fumarat - Lamivudin-Dolutegravir 300/300/50mg (TLD) và Tenofovir disoproxil fumarat - Lamivudin-Efavirenz 300/300/400mg (TLE400) điều trị người bệnh HIV.

Nhằm bảo đảm duy trì điều trị ARV cho người bệnh HIV trong thời gian chờ thuốc TLD và TLE400 được mua từ nguồn Quỹ bảo hiểm y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chủ động giám sát, điều tiết cung ứng thuốc ARV điều trị người bệnh HIV/AIDS.

Ngay khi nhận được thông tin, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có hướng dẫn các tỉnh, thành phố điều tiết cấp phát thuốc cho người bệnh. Trước đây, nếu bệnh nhân điều trị ổn định có thể lĩnh thuốc 3 tháng/lần thì trong tình trạng đang thiếu thuốc chỉ cấp 1 tháng/lần. Với tỉnh, thành phố còn lượng thuốc ít hơn có thể cấp 2 tuần/lần với người bệnh ở gần.

Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cần hướng dẫn điều chuyển người bệnh đang điều trị HIV có thẻ bảo hiểm y tế từ cơ sở hết thuốc bảo hiểm y tế sang cơ sở còn thuốc bảo hiểm y tế. Không để tình trạng người bệnh gián đoạn thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế trong khi tồn kho trên toàn địa bàn vẫn còn.

Bên cạnh đó, các đơn vị điều tiết thuốc ARV nguồn dự án Quỹ toàn cầu tài trợ giữa các cơ sở y tế trên địa bàn để điều trị cho người bệnh HIV đáp ứng tiêu chuẩn nhận thuốc ARV do Quỹ toàn cầu tài trợ.

Được biết, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả đàm phán thuốc ARV. Dự kiến trong khoảng 1 tuần nữa sẽ có 1,8 triệu viên thuốc ARV. Thuốc ARV sẽ tiếp tục về sau đó để bảo đảm điều trị liên tục và bền vững cho các bệnh nhân HIV đang điều trị.

*** Để đảm bảo an sinh xã hội cho người có HIV/AIDS, hướng tới bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, Việt Nam đang dần dành ngân sách cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và hướng đến chi trả chăm sóc sức khỏe, điều trị ARV cho người nhiễm HIV qua BHYT.

Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số... được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh.

Người tham gia BHYT nhiễm HIV khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc, điều trị liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT (trừ trường hợp đã được các nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả), được Quỹ BHYT chi trả gồm: Thuốc kháng HIV (trừ trường hợp đã được nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả); xét nghiệm HIV trong khám bệnh, chữa bệnh đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh; xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả); điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Nhiều người nhiễm HIV hiện nay băn khoăn, lo ngại về việc khi tham gia BHYT có thể bị lộ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, điều này không gây ảnh hưởng vì việc bảo mật thông tin cá nhân của người bệnh nói chung, người nhiễm HIV nói riêng đã được quy định bởi Luật Khám, chữa bệnh và các quy định khác. Việc khám, chữa bệnh bằng BHYT không làm gia tăng kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, mà còn giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng.       

Lương Thảo (TC)