BHXH các địa phương: Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn

20/04/2022 09:20 AM


Do tình hình dịch kéo dài, doanh nghiệp và người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công việc và đời sống dẫn đến việc tham gia BHXH, BHYT gián đoạn. Song nhờ nhạy bén và linh hoạt trong tổ chức hoạt động, BHXH các địa phương đã tuyên truyền kịp thời và bằng nhiều hình thức, qua đó, giúp người dân thêm vững tin vào chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

Tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

Vừa  qua, BHXH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ký kết phối hợp để triển khai các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em tham gia BHXH, BHYT và cài đặt VssID trên địa bàn…

Chương trình được 2 đơn vị phối hợp thực hiện với mong muốn tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về chính sách BHXH, BHYT, tự giác tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; qua đó, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động; giảm gánh nặng tài chính cho bản thân, gia đình và xã hội.

Ông Phạm Ngọc Sơn– Giám đốc BHXH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, triển khai có hiệu quả kế hoạch phối hợp. Chủ động phối hợp trong báo cáo, cung cấp số liệu, trao đổi thông tin; tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền BHXH, BHYT cho cán bộ Hội và nhân viên Đại lý thu; giao chỉ tiêu pháp triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho Đại lý thu của Hội; phối hợp trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về chính sách BHXH, BHYT; vận động hội viên phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sẽ có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời phát huy vai trò vận động tuyền truyền hội viên tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Hội cũng sẽ phổ biến ứng dụng VssID rộng rãi đến từng hội viên, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID cho hội viên đã tham gia BHXH, BHYT để có thể sử dụng ứng dụng trong các giao dịch với cơ quan BHXH. Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông chính sách BHXH, BHYT cho cán bộ Hội, từ đó phổ biến chính sách BHXH, BHYT đến toàn thể hội viên phụ nữ; tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn chính sách BHXH, BHYT cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

“Hội phụ nữ cũng sẽ có kế hoạch tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thông qua mô hình “vận động, trao tặng thẻ BHYT cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn”, “vận động nhân dân tiết kiệm phế liệu vì phụ nữ và trẻ em nghèo”, “thu gom phế liệu tiết kiệm”… nhằm gây quỹ giúp đỡ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở Hội. Qua đó có nguồn kinh phí tham gia BHXH, BHYT. Song song đó, Hội cũng sẽ tập trung nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của hội viên phụ nữ về chính sách pháp luật BHXH, BHYT, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện luật BHXH, BHYT để có kiến nghị kịp thời”- Bà Lê Thị Kim Thu- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khẳng định.

Lãnh đạo BHXH tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ Bà Rịa- Vũng Tàu cũng thống nhất vạch rõ các kế hoạch hành động cụ thể theo từng giai đoạn cho năm 2022 này. Trong đó, từ tháng 4- tháng12 sẽ tập trung lồng ghép tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thông qua mô hình “vận động, trao tặng thẻ BHYT cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn”, “vận động nhân dân tiết kiệm phế liệu vì phụ nữ và trẻ em nghèo”… nhằm gây quỹ giúp đỡ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở Hội. Giai đoạn từ tháng 5- tháng10 sẽ là thời kỳ cao điểm đẩy mạnh phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn chính sách BHXH, BHYT cho các hội viên và chị em phụ nữ trên toàn địa bàn tỉnh… Hai đơn vị kỳ vọng, với nhiều giải pháp được phối hợp triển khai sẽ góp phần nhanh chóng gia tăng tỷ lệ chị em phụ nữ được tham gia, tiếp cận với chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Tại tỉnh Bắc Kạn

Dù gặp khó khăn bước đầu khi không còn được NSNN hỗ trợ, song nhờ được tuyên truyền kịp thời, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã chủ động tham gia tiếp BHYT theo hình thức hộ gia đình, để lo cho bản thân và gia đình.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, tỉnh Bắc Kạn có 34 xã với 663 thôn, bản, tiểu khu, tổ dân phố không thuộc diện đặc biệt khó khăn, tương ứng với hơn 35.000 người (chiếm gần 11% dân số của tỉnh) không còn được NSNN hỗ trợ đóng BHYT. Do đó, thời gian qua, BHXH tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiếp BHYT theo hình thức hộ gia đình.

Đã gần một năm nay, 4 người trong gia đình chị Lường Thị Mơ (huyện Chợ Đồn) không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí. Song ngay từ thời điểm Quyết định số 861/QĐ-TTg có hiệu lực, nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của chính sách BHYT, chị Mơ đã quyết định đăng ký tham gia tiếp BHYT hộ gia đình cho cả nhà. “Được cán bộ BHXH tuyên truyền, tôi thấy việc tham gia BHYT rất quan trọng, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của cả gia đình. Tôi đã tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình để đảm bảo quyền lợi; nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật, chúng tôi không phải lo lắng về chi phí KCB nữa”- chị Mơ chia sẻ.

Giống như chị Mơ, việc lần đầu tiên tự tham gia BHYT cho cả gia đình khiến anh Lò Văn Kỳ (huyện Chợ Mới) có chút băn khoăn. Đời sống của gia đình anh Kỳ hoàn toàn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên khi dịch COVID-19 diễn ra lại càng thêm khó khăn. “Những năm trước được Nhà nước hỗ trợ thẻ BHYT miễn phí, nên cũng yên tâm khi ốm đau. Từ giữa năm 2021, 5 người trong gia đình tôi không thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí nữa. Điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, việc duy trì tham gia BHYT cho cả 5 thành viên cũng nan giải”- anh Kỳ cho biết.

Vận động một tiểu thương tham gia BHXH, BHYT

Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ, cùng với việc được cán bộ BHXH huyện đến tận nhà tư vấn, anh Kỳ đã quyết định tiếp tục tham gia BHYT cho cả gia đình. Giờ đây, anh Kỳ đã hiểu việc tham gia BHYT chính là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành- để dành khi ốm”, nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may ốm đau, bệnh tật. “Dù còn khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng dành dụm để tham gia BHYT cho toàn bộ thành viên. Tôi đã hiểu ý nghĩa của BHYT, nhất là với trường hợp KCB được BHYT chi trả kịp thời, góp phần giảm gánh nặng chi phí kinh tế cho gia đình, giúp bệnh nhân yên tâm điều trị”- anh Kỳ chia sẻ thêm.

Chị Mơ và anh Kỳ chỉ là 2 trong số hơn 35.000 người không còn thuộc diện được NSNN hỗ trợ tham gia BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Với tỉnh miền núi như Bắc Kạn, đại đa số là đồng bào DTTS, dù điều kiện kinh tế đã được cải thiện, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với những gia đình có đông thành viên thì việc đóng BHYT cho tất cả mọi người trong gia đình là vấn đề không ít nan giải. Đặc biệt, nếu không có BHYT, khi xảy ra ốm đau và không được quỹ BHYT chi trả, người dân cũng như cộng đồng sẽ phải gánh chịu nhiều hệ lụy. Do đó, việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, cùng với việc đa dạng hình thức truyền thông nâng cao nhận thức người dân đối với chính sách BHYT trở thành vấn đề rất cấp thiết.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, số xã khu vực I trên toàn tỉnh Bắc Kạn tăng từ 16 xã lên 34 xã; số thôn, bản, tiểu khu, tổ dân phố không thuộc diện đặc biệt khó khăn là 663/1.310 thôn, tương ứng với khoảng 35.000 người (chiếm gần 11% dân số của tỉnh) không còn được NSNN hỗ trợ đóng BHYT. Trước thách thức này, BHXH tỉnh đã chủ động đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân không “rời bỏ” lưới an sinh.

Nhân viên Bưu điện ở Bắc Kạn đang tư vấn cho người dân về chính sách BHXH, BHYT

Đáng chú ý, ngay khi Quyết định số 861/QĐ-TTg được ban hành, BHXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo về thời điểm dừng hỗ trợ. Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào việc rà soát chi tiết số người tham gia BHYT không còn được NSNN hỗ trợ đóng BHYT để điều chỉnh giảm thẻ theo quy định; hoặc kịp thời lập danh sách để cấp thẻ BHYT theo các nhóm được NSNN hỗ trợ như: Cận nghèo, HSSV, hộ gia đình nông-lâm nghiệp có mức sống trung bình…

Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHYT. Trong đó, nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHYT trong đời sống kinh tế, xã hội cũng như các quyền lợi khi tham gia BHYT. Đặc biệt, tuyên truyền, hướng dẫn người dân không thuộc đối tượng được NSNN đóng BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg đến cơ quan BHXH hoặc đại lý thu gần nhất làm thủ tục đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình để không bị gián đoạn quyền lợi 5 năm liên tục.

Các hình thức tuyên truyền cũng được BHXH tỉnh thực hiện đa dạng, thông qua các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin, báo chí cơ sở như: Phối hợp đăng tải các tin bài trên các phương tiện thông tin truyền thông của tỉnh, trong đó có hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở... Bên cạnh đó, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hình thức tư vấn trực tiếp theo các nhóm nhỏ cũng được BHXH tỉnh Bắc Kạn phát huy tối đa.

Ngoài ra, đầu năm 2022, BHXH tỉnh Bắc Kạn còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền một số địa phương tổ chức trao tặng thẻ BHYT cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc các xã chịu tác động bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg. Qua đó, thể hiện sự chung tay, đồng hành của BHXH tỉnh, cũng như tinh thần “tương thân tương ái” của CBVC cơ quan BHXH với những người có hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; góp phần lan tỏa tính nhân văn, chia sẻ của chính sách BHYT đến với người dân.

Nhờ những giải pháp quyết liệt như trên, tính đến hết tháng 3/2022, toàn tỉnh Bắc Kạn đã phát triển được hơn 308.000 người tham gia BHYT, đạt 98,1% kế hoạch được BHXH Việt Nam giao, tăng 908 người so với tháng 2/2022. Trước đó, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đến hết năm 2021 đạt 96% dân số, tương đương 307.507 người tham gia.

PV