BHXH Việt Nam tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2022 đến cán bộ chuyên trách toàn Ngành

19/04/2022 10:08 AM


Ngày 19/4/2022, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2022 đến hơn 2.000 công chức, viên chức, người lao động liên quan trong toàn Ngành.

Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Trung ương có: Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông; đại diện BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân và cán bộ liên quan.

Tại điểm cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có: Lãnh đạo phụ trách công tác truyền thông; đại diện các phòng liên quan và cán bộ, viên chức làm công tác truyền thông.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị gồm 6 chuyên đề nhằm trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông. Các chuyên đề được trình bày bởi các giảng viên: PGS.TS.Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo; TS.Vũ Hoài Phương, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Lãnh đạo Ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ; Lãnh đạo Ban Thực hiện chính sách BHYT; Lãnh đạo Ban thực hiện chính sách BHXH.

Giảng viên Vũ Hoài Phương truyền đạt 2 chuyên đề gồm: Kỹ năng tuyên truyền miệng thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT và phương pháp làm việc, trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo giảng viên Vũ Hoài Phương, trong công tác tuyên truyền miệng, người nói cần có kiến thức vững vàng, chuyên sâu; xác định rõ đối tượng tiếp cận; xây dựng đề cương, kế hoạch chi tiết, cụ thể để tạo phong thái tự tin, tăng tính thuyết phục người nghe.

TS.Vũ Hoài Phương, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trình bày nội dung tập huấn tại Hội nghị

Giảng viên Vũ Hoài Phương đã trình bày, hướng dẫn về cách nghiên cứu đối tượng truyền thông; cách chuẩn bị, xây dựng cấu trúc phát biểu; cách sử dụng ngôn từ, ngôn ngữ cơ thể trong thuyết trình; phương pháp mở đầu tạo chú ý, thân bài chính xác, hấp dẫn, thiết thực và kết bài truyền thông súc tích, ấn tượng, kích thích nhu cầu...

Với chuyên đề về phương thức làm việc, trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí, giảng viên Vũ Hoài Phương thông tin về các hình thức cung cấp thông tin; lưu ý khi cung cấp thông tin; kỹ năng gặp gỡ, trả lời phỏng vấn báo chí.

Truyền đạt kỹ năng truyền thông trên mạng xã hội về chính sách BHXH, BHYT, PGS.TS.Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, mạng xã hội là một xu hướng tất yếu, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức cần phải làm. Trong tình hình dịch Covid-19 thời gian, hình thức truyền thông này đã phát huy hiệu quả rất lớn. Tuy nhiên, môi trường mạng xã hội là nơi thông tin rất khó kiểm chứng, do đó để truyền thông chính sách BHXH, BHYT bằng hình thức này, các cơ quan, cá nhân cần phải đặc biệt lưu ý đến tính chính thống, chính xác; chọn đúng đối tượng, rõ mục đích thông tin.

PGS.TS.Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo trình bày nội dung tập huấn tại Hội nghị

Vì vậy, PGS.TS.Nguyễn Thành Lợi đã hướng dẫn về cách tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội; phương pháp khai thác thông tin trên mạng xã hội; cách truyền thông trên Fanpage, Zalo; kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông; các hình thức tổ chức hội nghị trực tuyến (livestream); các thể loại thông tin truyền thông hiệu quả trên mạng xã hội.

Sau phần hướng dẫn kỹ năng truyền thông, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam gồm: Ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ; Ban Thực hiện chính sách BHYT; Ban thực hiện chính sách BHXH đã thông tin, phổ biến về một số quy định mới chính sách BHYT năm 2022; một số nội dung trọng tâm trong truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; một số nội dung trọng tâm trong truyền thông, chính sách pháp luật năm 2022. Đây là những chuyên đề giúp đội ngũ làm công tác truyền thông ngành BHXH Việt Nam có thêm thông tin chính thống, cụ thể từ đó tổ chức, thực hiện công tác truyền thông ngày càng tốt hơn.

Các đại biểu, học viên tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đánh giá, công tác thông tin, truyền thông đã đóng góp rất tích cực vào kết quả hoạt động của Ngành, nhất là trong bối cảnh dịch covid-19 diễn ra phức tạp. Những năm qua, với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Ngành; cùng sự nỗ lực, trách nhiệm, sáng tạo của BHXH các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc, cũng như vai trò tham mưu của Trung tâm Truyền thông, công tác truyền thông của Ngành đã không ngừng được đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương pháp, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó đã tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận trong triển khai chính sách BHXH, BHYT ở các cấp, các ngành. Đồng thời, nhận thức của người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, lợi ích, giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT ngày càng được nâng cao, niềm tin vào chính sách tiếp tục được củng cố.

Năm 2022, nhiệm vụ của Ngành được giao rất nặng nề; đặc biệt hướng tới thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao, nhất là chỉ tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đặt ra, đòi hỏi BHXH các tỉnh cần khẩn trương hơn, trách nhiệm hơn, quyết liệt hơn nữa.

Một số điểm cầu địa phương tham dự Hội nghị

Qua các nội dung được tập huấn, thông tin tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh yêu cầu, các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương, quán triệt đầy đủ những nội dung chỉ đạo về các lĩnh vực và bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành để tích cực, chủ động triển khai thực hiện, trong đó có lĩnh vực thông tin, truyền thông. Tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng những nội dung đã được tập huấn vào việc triển khai các hoạt động truyền thông tại đơn vị, tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Tăng cường hơn nữa truyền thông tại cơ sở; tiếp tục rà soát, phân nhóm chủ thể truyền thông cụ thể để xây dựng kế hoạch, kịch bản truyền thông chi tiết theo từng nhóm đến tận xã, phường và triển khai các giải pháp truyền thông phù hợp, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục tăng cường truyền thông theo chiều sâu; truyền thông phải gắn với phương châm lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm phục vụ, lấy nội dung chất lượng của dịch vụ để truyền thông, phải gắn phát triển người tham gia và chăm sóc khách hàng. Đồng thời, cần thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác truyền thông./.

PV