Tháo gỡ vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT: Ưu tiên quyền lợi của người KCB BHYT lên hàng đầu

02/08/2022 08:17 PM


Chiều 2/8, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh và Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đồng chủ trì hội nghị.

Cùng dự Hội nghị, về phía ngành BHXH Việt Nam có: Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn; Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT Lê Văn Phúc; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc liên quan và lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về phía ngành Y tế có: Thứ trưởng Trần Văn Thuấn; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc liên quan; lãnh đạo Sở Y tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng đại diện lãnh đạo 1 số bệnh viện (BV): Chợ Rẫy, Bạch Mai, ĐH Y Hà Nội, Huyết học truyền máu TW, Đa khoa Đức Giang, Đa khoa tỉnh Hưng Yên, Đa khoa Hữu nghị Nghệ An, Quốc tế Hải Phòng, Đa khoa Bình Định, Đa khoa Sóc Trăng, Đa khoa Ninh Thuận).

Chủ động tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh BHYT

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã luôn đồng hành cùng ngành Y tế, các cơ sở KCB tích cực chủ động tìm và triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở KCB, đặc biệt trong các năm 2020, 2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở KCB tập trung cao độ mọi nguồn lực để chống dịch. Theo đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong KCB và thanh toán chi phí KCB thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam đã từng bước được giải quyết, tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB và đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia BHYT theo Luật định.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị.

Theo đó, cơ quan BHXH đã chủ động tăng cường phối hợp với các cơ sở KCB để xử lý các vấn đề còn vướng mắc, đảm bảo việc thanh quyết toán đảm bảo tiến độ, đúng quy định của luật pháp. Đến thời điểm này, các chi phí chưa đủ điều kiện quyết toán trước năm 2020 đã cơ bản được giải quyết do vậy, đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn về kinh phí cho các cơ sở KCB. Nhằm đảm bảo bảo kinh phí cho các cơ sở KCB hoạt động, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh thực hiện quyết toán hằng quý để chuyển tiền thanh toán và tạm ứng kinh phí cho hoạt động quý sau. Giai đoạn dịch Covid-19, nhiều cơ sở KCB khó khăn về kinh phí, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tạm ứng đầy đủ, nếu khó khăn, báo cáo BHXH Việt Nam để được giải quyết. Mặt khác, ngành BHXH Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các cơ sở KCB cải tiến, xử lý các vướng mắc về thủ tục KCB (Vss-ID), chuẩn hoá dữ liệu đưa lên cổng giám định. Hiện tại BHXH Việt Nam đang cùng BHXH Hà Nội hỗ trợ bệnh viện Bạch Mai chuẩn hoá dữ liệu của trên 100 nghìn hồ sơ bệnh án trong 6 tháng đầu năm 2022 để đảm bảo chính xác giữa dữ liệu trong bệnh án và trên cổng giám định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị.

Trong tháng 07-8/2022, BHXH Việt Nam đã cử các Đoàn công tác xuống nắm bắt tình hình trực tiếp tại một số cơ sở KCB tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương về việc tháo gỡ vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT giai đoạn trước năm 2021. Giám đốc BHXH nhiều địa phương đã trực tiếp làm việc với từng cơ sở y tế nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện KCB BHYT.

Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt để tháo gỡ và tìm ra phương án tối ưu

Chia sẻ tại Hội nghị, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, BV Bạch Mai - đơn vị được thí điểm tự chủ toàn phần gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Riêng với việc thanh toán KCB BHYT, đây là một trong những vấn đề tồn đọng trong thời gian dài và còn nhiều vướng mắc.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai phát biểu tại hội nghị

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đa Khoa Bình Dương, thời gian qua, sự vào cuộc cũng như phối hợp tốt giữa 2 ngành BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã kịp thời tháo gỡ một phần nào “nút thắt” trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT. Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, hai ngành cần phải nghiên cứu, thảo luận kỹ hơn về các chính sách, văn bản hiện hành.

Đại diện các BV đề nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề xuất giải pháp thanh toán phù hợp với thực tế sử dụng của cơ sở y tế, đề nghị sửa đổi các quy định sát với thực tế hơn để không lãng phí các thiết bị KCB BHYT. Các BV cũng thừa nhận, các chi phí từ việc sử dụng thuốc, vật tư y tế vượt thầu có nguyên nhân chủ quan từ phía BV, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khách quan ngoài tầm kiểm soát, đề nghị BHXH Việt Nam thẩm định, xem xét các chi phí có hồ sơ, bệnh án hợp lệ, đề xuất HĐQL sớm có quyết định các chi phí được chi trả, giảm bớt khó khăn cho cơ sở y tế.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đa Khoa Bình Dương phát biểu

Ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, với vướng mắc về chi phí từ máy mượn, máy đặt tại các BV công, Bộ Y tế đang trình Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí KCB từ các máy này vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quy định về máy xã hội hóa theo thực tiễn hiện nay trong quá trình sửa đổi Nghị định 151.

Đồng thuận với kiến nghị của các cơ sở y tế về tính tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, ông Công nhận xét "chưa tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá, nhưng lại chạy theo tự chủ, trong khi không có quy định NSNN được cấp bù sẽ ảnh hưởng các cơ sở y tế, nhất là tuyến cơ sở. Với vai trò của mình, vụ cũng đang thảo luận về lộ trình sớm tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế". Hiện Bộ Y tế đã soạn thảo Thông tư về giá KCB theo yêu cầu, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét nếu không tác động nhiều đến CPI toàn quốc thì sớm ban hành...   

Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế cũng đề cập đến vướng mắc thanh toán 5 loại thuốc điều trị ung thư được cơ sở y tế chỉ định cho bệnh nhân, nhưng chưa được quỹ BHYT thanh toán do không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, nhưng lại được sử dụng theo đúng khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới.

Đại diện Bộ Y tế đề cập đến một số vướng mắc trong thanh toán KCB BHYT.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng, việc thanh toán các loại thuốc này sẽ cần tiếp tục bàn thảo giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam để đưa ra quyết định phù hợp... Theo ông Lê Văn Phúc, thời gian qua, con số thanh quyết toán của một số BV giai đoạn 2019-2021 giảm rõ rệt, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của BV và chủ yếu là do dịch Covid-19. Thấu hiểu được điều này, ngành BHXH đã có sự hỗ trợ rất lớn giúp các BV tháo gỡ khó khăn trong thanh toán chi phí KCB BHYT. Theo ông Phúc, để khắc phục những tồn đọng, các BV cần tập trung chuẩn hóa dữ liệu để phục vụ hiệu quả công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT, cũng như quản lý quỹ KCB BHYT.

Ông Phúc cũng chỉ rõ một số khó khăn vướng mắc thuộc về cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, Chính phủ. Một số chi phí thuốc, vật tư y tế chưa được thanh toán cho các bệnh viện như: Xác định tính hợp pháp của việc mua sắm thuốc theo hình thức chỉ định thầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy; mua sắm VTYT theo hình thức chỉ định thầu rút gọn tại Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh, các cơ sở y tế tại Hải Phòng... Thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hoá chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định tại Nghị định 151. Ngoài ra còn bất cập trong quy định về tạm ứng, thanh quyết toán theo điều 32 Luật BHYT và Nghị định 146. Luật BHYT quy định quyết toán theo quý nhưng tổng mức thanh toán quy định tại Nghị định 146 được xác định theo năm, chưa có hướng dẫn xác định số quyết toán theo quý…

Ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) trả lời một số khó khăn, vướng mắc trong thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế - Trần Văn Thuấn nhấn mạnh việc hai ngành đã đạt được sự đồng thuận, phối hợp chăm sóc sức khỏe người dân. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các Vụ, Cục của Bộ Y tế nhanh chóng xác định danh mục công việc theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình, đặt ra thời hạn xử lý cụ thể từng vấn đề, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho cơ sở y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đề nghị hai bên tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt để tháo gỡ và tìm ra phương án tối ưu, nhằm hướng đến lợi ích  người bệnh.

Toàn cảnh Hội nghị Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành BHXH Việt Nam và Y tế trong nhiều năm qua. Tổng Giám đốc cũng chỉ rõ, hội nghị được tổ chức trao đổi, cung cấp thông tin nhằm giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHYT. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc BHXH Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với các cơ sở KCB tiếp tục rà soát các chi phí KCB BHYT chưa được thanh toán trước năm 2021 để dứt điểm, không kéo dài. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện tạm ứng, quyết toán đúng quy định, đảm bảo tiến độ.

Tổng Giám đốc đề nghị trong thời gian tới, hai ngành cần tập trung hơn nữa trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những vướng mắc, bất cập, đồng thời phối hợp, tìm ra các phương án tối ưu để hướng tới mục tiêu lâu dài, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo lợi ích cho người dân tham gia khám, chữa bệnh BHYT./.

PV