Ngành BHXH Việt Nam đạt nhiều kết quả tốt, tiến bộ trong ứng dụng CNTT

26/10/2021 08:25 AM


Đây là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV vừa qua về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV ngày 22/10/2021

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, hiện nay, về công tác ứng dụng CNTT, ngành BHXH Việt Nam đã cơ bản cung cấp được các dịch vụ công trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT ở cấp độ 4. Cấp độ hồ sơ, thủ tục, đóng nộp, chi trả được thực hiện trên không gian mạng. Đây là một điều rất tốt trong khi thương mại điện tử ở nước ta hiện mới đạt đến cấp độ 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc BHXH Việt Nam xây dựng và ra mắt thành công ứng dụng VssID - BHXH số trên điện thoại thông minh từ cuối năm 2020. Từ khi ra mắt đến nay, ứng dụng đã không ngừng được cải tiến, nâng cấp với nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thiết yếu của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN như: Thông tin, đóng nộp, thụ hưởng các chế độ. “Hiện, toàn quốc đã có trên 20 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng này. Đây là một sự tiến bộ” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Những kết quả đó có được từ nền tảng ứng dụng CNTT của ngành BHXH Việt Nam triển khai từ nhiều năm qua. BHXH Việt Nam luôn xác định, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới. Theo đó, những năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT, xây dựng các phần mềm nghiệp vụ bao phủ hầu hết các hoạt động của Ngành.

Quá trình ứng dụng CNTT tại BHXH Việt Nam trải qua 3 giai đoạn. Trước năm 2012, các nghiệp vụ của Ngành được thực hiện thủ công trên văn bản giấy. Giai đoạn 2012 - 2016, bắt đầu triển khai, ứng dụng CNTT trong các quy trình, nghiệp vụ. Tuy nhiên, giai đoạn này, cơ sở dữ liệu của Ngành phân tán, quản lý ở cấp tỉnh nên hiệu quả chưa cao. Từ sau năm 2016, BHXH Việt Nam có đổi mới căn bản về ứng dụng CNTT, xây dựng kiến trúc tổng thể, liên thông dữ liệu trong toàn Ngành về BHXH, BHYT được quản lý tập trung tại Trung ương; cùng với việc đẩy mạnh cải cách TTHC đã tạo ra sự đột phá khi bộ TTHC của Ngành giảm từ 250 xuống chỉ còn 25 thủ tục. Hệ thống giám định điện tử kết nối với gần 12.000 cơ sở y tế trên cả nước giúp phục vụ tốt khoảng 180 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT hàng năm. Cung cấp dịch vụ công cấp 3, 4 trên nền tảng internet giúp người tham gia có thể thực hiện, giao dịch thanh toán tại nhà. Hệ thống chăm sóc khách hàng được đổi mới, hiện đại với nhiều kênh trong tư vấn, hỗ trợ người tham gia như: Hệ thống Call center; trả lời tự động (chatbot); fanpage trên Facebook; dịch vụ đánh giá sự hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT…

Công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số luôn được lãnh đạo BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện để phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn

Trên nền tảng ứng dụng CNTT, ngành BHXH đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: Tin nhắn (SMS); thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); phân tích, khai thác được lượng dữ liệu rất lớn của Ngành trên BIGDATA; thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công lên cấp độ 4.

Hiện nay, triển khai Nghị định số 43/2021/NĐ-CP và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, BHXH Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu của Ngành và Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm tạo nền tảng cho chuyển đổi số; tiếp tục tái cấu trúc lại TTHC và dịch vụ công phù hợp với xu thế chuyển đổi số; triển khai 100% dịch vụ công trên ứng dụng VssID-BHXH số; tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên ứng dụng và Cổng dịch vụ công của Ngành; số hoá đầy đủ kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục mở rộng danh mục dữ liệu mở để phát triển Chính phủ số; tiếp tục hoàn thiện Cổng DVC theo kiến trúc Chính phủ điện tử mới; nghiên cứu mở tổng đài tư vấn, hỗ trợ 24/7; nâng cấp, mở rộng khả năng chỉ đạo, điều hành; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích, xử lý dữ liệu… Bên cạnh đó, Ngành cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến việc bảo mật, an toàn thông tin khi cơ sở dữ liệu của Ngành ngày càng lớn và có tính thiết yếu với mỗi người dân, người lao động./.

PV