COVID-19

Chính sách BHYT khẳng định vai trò quan trọng, thiết thực trong đại dịch

10/05/2021 04:59 PM


Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI) năm 2020 được công bố trong tháng 4/2021 đã phát hiện: Việc không nằm trong vòng bảo vệ của BHYT đã trở thành mối quan ngại lớn thứ hai của người dân, chỉ sau nguy cơ đói nghèo.

Theo đó, PAPI 2020 đã cung cấp thông tin cho Chương trình nghị sự Phát triển bền vững của quốc gia và các nhà hoạch định chính sách vào thời điểm Việt Nam đang tập trung giải quyết khủng hoảng kép về y tế và kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra. PAPI 2020 được thực hiện thông qua khảo sát hơn 14.700 người- được lựa chọn ngẫu nhiên- số lượng người dân tham gia đông nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện lần đầu năm 2011.

Đáng chú ý, theo báo cáo này, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tạo nên cuộc “khủng hoảng” trong suốt năm 2020, sự lo lắng của người dân về y tế và BHYT đã tăng vọt từ 2% vào năm 2019 lên 16% vào năm 2020.

Theo đánh giá của TS. Paul Schuler- thành viên của nhóm nghiên cứu: “Mối quan ngại về sức khỏe có thể liên quan đến đại dịch COVID-19”. Thực tế, kết quả này có thể được nhìn nhận dưới 2 góc độ, đó là nguy cơ tác động đến sức khỏe khi diễn tiến phức tạp của dịch COVID-19 khiến người dân phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh bất cứ lúc nào; gia tăng thiệt hại tài chính trong trường hợp phải chi trả cho chi phí KCB trong giai đoạn hiện nay.

Hình minh hoạ

BHYT có vai trò là thiết chế tài chính bảo vệ người tham gia tránh những nguy cơ phải chi trả chi phí y tế quá cao nếu chẳng may mắc bệnh. Trong PAPI 2020, mối lo ngại về việc không được quỹ BHYT bảo vệ tăng lên, cũng song song với sự gia tăng lo ngại về kinh tế hộ gia đình của người dân sụt giảm. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ người trả lời cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ kém hơn so với 3 năm trước tăng từ 14% năm 2019 lên 18% năm 2020.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến tình trạng mất việc làm diễn ra khá trầm trọng. Có tới 25,34% số người được hỏi cho rằng, họ hoặc người thân trong gia đình bị mất việc do tác động của đại dịch COVID-19. Trong trường hợp NLĐ không lập tức tham gia BHYT hộ gia đình, đồng nghĩa với một tỷ lệ không nhỏ trong số họ sẽ tạm thời không nằm trong vòng bảo vệ của quỹ BHYT. Báo cáo của BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương cũng phản ánh thực trạng sụt giảm tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm đối tượng đang làm việc tại các DN do mất việc, DN phá sản, dừng hoạt động.

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã khiến người dân cảm nhận sâu sắc về nguy cơ sức khỏe của bản thân mình; đồng thời những “khoảng trống” về BHYT cũng khiến mỗi người hiểu rõ hơn về lợi ích, ý nghĩa xã hội mà chính sách an sinh xã hội này mang lại. Trong khi đó, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021 được Quốc hội thông qua đã thống nhất mục năm tiêu năm 2021 phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 91% dân số. Đây là mục tiêu thách thức, cũng đồng thời khẳng định ý nghĩa quan trọng của chính sách BHYT trong giai đoạn kinh tế đất nước và toàn cầu gặp khó khăn như hiện nay.  

PV