COVID-19

"Điều kiện đặc biệt thì cần phải có giải pháp đặc biệt, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT"

15/04/2022 11:55 AM


Vừa qua, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn- Trưởng đoàn công tác BHXH Việt Nam đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực BHXH, BHYT do ảnh hưởng bởi dịch bệnh

“Trong tình hình mới với những điều kiện đặc biệt, thì phải có giải pháp đặc biệt để giải quyết các vấn đề cấp bách. Hiện người dân, NLĐ, DN rất cần sự hỗ trợ nên sự vào cuộc đúng, trúng, kịp thời của địa phương là vô cùng quan trọng”- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh tại buổi làm việc.

Phải có giải pháp đặc biệt để giải quyết các vấn đề cấp bách

Báo cáo đoàn công tác, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành cho biết, trong giai đoạn hiện nay, NLĐ và DN rất cần sự hỗ trợ từ chính sách, bởi những khó khăn của dịch bệnh gây ra tình trạng mất việc, gián đoạn sản xuất- đây cũng chính là thời điểm họ cần đến cơ quan BHXH nhất. Vì vậy, BHXH tỉnh hết sức mình để hỗ trợ tốt nhất cho NLĐ, DN. Thời gian qua, BHXH tỉnh và các đơn vị, DN thường xuyên trao đổi để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước; hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo thực hiện phù hợp.

Ngày 13/7/2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, BHXH tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và kịp thời ban hành 4 văn bản triển khai thực hiện.

Tính đến ngày 26/7, BHXH tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 2 đơn vị SDLĐ, tương ứng 251 NLĐ với tổng số tiền tạm dừng đóng hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời, sớm hoàn thành gửi thông báo giảm đóng về 0% vào quỹ BH TNLĐ-BNN cho 10.410 đơn vị, tương ứng 756.502 NLĐ với tổng số tiền giảm đóng khoảng 28,4 tỷ đồng. Qua đó, người SDLĐ có thêm phương án, điều kiện chủ động khắc phục khó khăn, hỗ trợ cho NLĐ phòng chống dịch.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)

Về xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương (theo Mẫu số 05), BHXH tỉnh đã tiếp nhận và xác nhận đối với 6 đơn vị để DN, NLĐ có đủ hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm ổn định đời sống. Về danh sách NLĐ được người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (Mẫu số 13b), đã tiếp nhận và xác nhận 1 đơn vị, tương ứng 263 NLĐ và số tiền 1,16 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai hiện có khoảng 1,2 triệu NLĐ làm việc trong các DN, trong đó có khoảng 600.000 người làm việc trong các KCN. Hiện tỉnh ghi nhận nhiều ổ dịch lớn và phức tạp liên quan đến các công ty sử dụng nhiều NLĐ như: Công ty Changshin (39.000 NLĐ), Công ty Pouchen (17.000 NLĐ), Công ty Taekwang Vina (28.000 NLĐ)... Toàn tỉnh hiện đã ghi nhận nhiều KCN có trường hợp dương tính với Covid-19 và một số DN cho NLĐ tạm thời nghỉ việc để thực hiện công tác phòng chống dịch.

Tỉnh Đồng Nai đã áp dụng các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ ngày 9/7. Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, tỉnh yêu cầu các DN trước khi sản xuất cần đáp ứng được một trong 3 phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”; hoặc linh động áp dụng cùng lúc 2 phương án trên. Tuy nhiên, 3 phương án trên khó triển khai thực hiện ở các đơn vị có quy mô lớn, do thiếu địa điểm sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho NLĐ, nên đã tạm ngưng hoạt động đến hết ngày 1/8. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.000 DN đăng ký thực hiện phương châm 3 tại chỗ. Tùy theo thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh, tỉnh linh hoạt đưa ra các giải pháp phù hợp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Cũng theo ông Võ Văn Phi, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo xuyên suốt vừa chống dịch, sắp xếp bố trí sản xuất để đạt mục tiêu kép. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 3.000 ca nhiễm Covid-19. Trong khi đó, NLĐ ở xen kẽ tại các khu nhà trọ trong khu dân cư cũng là vấn đề rất đáng lo. “Trước tình hình DN bị ảnh hưởng sản xuất, NLĐ bị mất việc, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ. Chúng tôi sẽ cố gắng để hỗ trợ NLĐ, DN theo tinh thần của Nghị quyết 68. Sự kết nối giữa Trung ương sẽ giúp địa phương nhanh chóng thực hiện gói hỗ trợ và chúng tôi rất tâm đắc mong muốn của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn là việc hỗ trợ phải trúng, đúng và kịp thời. Tôi đề nghị Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, BHXH tỉnh phải khẩn trương, phối hợp chặt chẽ để người được thụ hưởng, DN tiếp cận được tiếp cận chính sách kịp thời nhất”- ông Phi nhấn mạnh.

Đảm bảo quyền lợi KCB BHYT của người dân

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Đồng Nai có 3,3 triệu lượt người KCB BHYT. Toàn tỉnh có 233 cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT. Trong điều kiện hiện tại, một số cơ sở KCB tổ chức ký hợp đồng thanh toán theo định suất quy định tại Thông tư số 04/TT-BYT của Bộ Y tế đã chuyển đổi công năng (một phần hay hoàn toàn) để điều trị Covid-19. Hiện, TTYT huyện Thống Nhất cơ sở 1 là cơ sở y tế thuộc phạm vi thanh toán định suất phải chuyển đổi công năng sang điều trị Covid-19. Tuy vậy, công tác KCB của TTYT huyện Thống Nhất cho người tham gia BHYT trên địa bàn huyện vẫn được duy trì thực hiện thường xuyên, người tham gia BHYT vẫn được đảm bảo quyền lợi trong KCB. Theo đó, địa điểm KCB mới được chuyển về TTYT huyện Thống Nhất cơ sở 2 KCB ngoại trú. Trường hợp cần nhập viện thì chuyển đến BVĐK khu vực Long Khánh, BV Cao su hoặc cơ sở có giường điều trị nội trú lân cận để được nhập viện, điều trị nội trú.

Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng linh động đảm bảo việc KCB của người dân. Ngày 20/7/2021, BHXH tỉnh đã ban hành công văn hướng dẫn công tác KCB BHYT trong vùng có dịch trên địa bàn TP.Biên Hòa. Theo đó, người dân trong vùng có dịch bị phong tỏa mà TYT phường, xã không đảm bảo được việc KCB BHYT, thì được quyền KCB BHYT tại các PKĐK hoặc BV tuyến huyện trên địa bàn và vẫn được đảm bảo quyền lợi như đi KCB đúng nơi đăng ký ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

Hình minh hoạ (nguồn: Internet)

Đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tính đến ngày 24/7/2021, trên địa bàn tỉnh có 7 BV dã chiến được thiết lập, trong đó có 5 BV đã có quyết định thành lập của UBND tỉnh. Các BV mới được thiết lập trên cơ sở huy động nguồn nhân lực từ các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Theo quy trình về ký hợp đồng và thanh toán theo KCB BHYT, thì cấp có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định thành lập các cơ sở KCB dã chiến… Để thực hiện theo quy trình thì thời gian sẽ lâu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Do đó, BHXH tỉnh đề nghị cho phép tổ chức ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng với các BV để thanh toán cho các đối tượng có thẻ BHYT tại BV dã chiến.

Ông Lê Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cũng phản ánh khó khăn ở các BV dã chiến, BV chuyển đổi công năng một phần hoặc chuyển đổi công năng hoàn toàn. Bởi lẽ, theo ông Trung, BV dã chiến là mô hình mới, chưa ký kết hợp đồng KCB BHYT; có nơi là BV hạng 3 nhưng thuốc điều trị cho một số bệnh phải thuộc hạng 1 thì việc phân phối, điều chuyển thuốc sẽ như thế nào?…

Chia sẻ cùng địa phương, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định, trong tình hình mới, công tác KCB thực hiện trong điều kiện đặc biệt thì cần phải có giải pháp đặc biệt, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT. Trong lúc này, việc đi lại của người dân rất hạn chế, nên cần tạo mọi thuận lợi cho người dân được KCB BHYT. Tỉnh cần thống nhất là khi địa phương thực hiện Chỉ thị 16 thì người dân có quyền đi KCB ở bất kỳ cơ sở nào không phân biệt nơi KCB ban đầu. BHXH tỉnh Đồng Nai và Sở Y tế cần trao đổi với nhau để thống nhất, phân bổ thẻ BHYT sao cho hợp lý, không để nơi thừa, nơi thiếu.

Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc cũng đề nghị Sở Y tế và BHXH tỉnh Đồng Nai cần chủ động phối hợp bổ sung phụ lục hợp đồng đối với các BV chuyển đổi công năng. Với các BV dã chiến mới thành lập, đề nghị Sở Y tế lập hồ sơ liên quan cấp giấy phép hoạt động, phân hạng BV, danh mục DVKT, danh mục thuốc để phê duyệt việc KCB BHYT. Sau đó, Sở Y tế thông báo với BHXH tỉnh để thống nhất ký hợp đồng KCB BHYT. Đặc biệt, các đơn vị liên quan phải đảm bảo kinh phí cho các cơ sở KCB để các cơ sở mua thuốc, vật tư phục vụ KCB BHYT, kể cả các BV dã chiến…

PV