Đẩy mạnh ứng dụng số và chuyển đổi số trong lĩnh vực An sinh xã hội

18/11/2022 04:16 PM


Ngày 18/11, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong công tác giám định BHYT”. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa dự và chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; tại điểm cầu trực tuyến có đại diện Tập đoàn Microsoft, Tổ chức Y tế thế giới WHO; Hiệp hội ASXH thế giới ISSA; Ngân hàng Thế giới; Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN (USABC), Tập đoàn SAP; Cơ quan BHYT quốc gia Hàn Quốc và Thái Lan.
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của Ngành BHXH Việt qua đó đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Hội thảo đã kết nối khu vực với thế giới khi có sự tham dự của các diễn giả đến từ Hiệp hội ASXH quốc tế (ISSA) và các tổ chức thành viên Hiệp hội ASXH ASEAN (ASSA).
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đưc Hòa khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội quan trọng của đất nước, BHXH Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là tận dụng triệt để sức mạnh lan toả của số hoá và công nghệ thông tin để thực hiện mục tiêu "Xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp", cùng với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp ngày càng nhiều các tiện ích cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia và thụ hưởng chế độ chính sách BHXH, BHYT.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại Hội thảo.
Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam triển khai nhiều dịch vụ qua giao dịch điện tử. Trong năm 2019 đã tích hợp, liên thông các phần mềm nghiệp vụ, trong đó phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp khai thác cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua trục dữ liệu quốc gia (NGSP). Trên nền tảng ứng dụng CNTT, ngành BHXH Việt Nam đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: Tin nhắn (SMS); thanh toán trực tuyến; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên cấp độ 4. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về ứng dụng CNTT, từ năm 2017 đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan Chính phủ triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng cao trong Bảng xếp hạng chung khối Bộ, Ngành có dịch vụ công.
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của Ngành BHXH Việt qua đó đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ tối đa người dân và doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực khám chữa bệnh BHYT, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính, công tác giám định và thanh toán BHYT, bảo đảm quyền lợi của nhân dân tham gia BHYT cũng như hạn chế việc lợi dụng, trục lợi quỹ BHYT, được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, BHXH Việt Nam đã xây dựng và vận hành chính thức Hệ thống thông tin giám định BHYT từ tháng 7/2016. Tại lễ khai trương Hệ thống thông tin giám định BHYT, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam đã đánh giá “đây là thời điểm không chỉ mang ý nghĩa lịch sử với BHYT mà cả với ngành CNTT. Lần đầu tiên có một dịch vụ ứng dụng CNTT kết nối toàn bộ hệ thống BHYT, dữ liệu về BHYT từ tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, khởi đầu cho việc hiện thực hóa công tác giám định điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT, mang lại lợi ích vô cùng thiết thực” – Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.
Sau khi đưa vào vận hành sử dụng từ đầu năm 2017, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối liên thông dữ liệu trực tiếp giữa cơ quan BHXH Việt Nam với gần 13 ngàn cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT từ tuyến xã đến tuyến trung ương trên toàn quốc, đến nay đã tiếp nhận hơn 15 tỷ bản ghi dữ liệu của gần 1 tỷ hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT. 
Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.
Cùng với đó, việc triển khai Hệ thống giúp cơ sở KCB quản lý, khai thác thông tin, lịch sử KCB của người bệnh, tra cứu thẻ BHYT và quản lý thông tuyến trên phạm vi toàn quốc, đồng thời đã số hóa, tạo lập được cơ sở dữ liệu về nhân viên y tế, danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế tại các cơ sở KCB BHYT. Trong công tác KCB, việc triển khai Hệ thống đã giúp thay đổi quy trình quản lý KCB, tiết giảm thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi của người bệnh. Từ ngày 25/11/2020, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất thí điểm sử dụng thông tin thẻ BHYT trên ứng dụng BHXH số (VssID), ngày 01/03/2022 BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an triển khai thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT (ứng dụng VNeID của Bộ Công An) và mới đây tiếp tục thí điểm ứng dụng sinh trắc học trong KCB BHYT. Đây là một bước thử nghiệm quan trọng của ngành BHXH Việt Nam, tận dụng, khai thác thế mạnh của CNTT để giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu trụ sở Microsoft.
Đồng thời, qua khai thác cơ sở dữ liệu tập trung, Hệ thống cung cấp các chức năng theo dõi giám sát, hiển thị bằng các bản đồ, biểu đồ trực quan, các báo cáo theo dõi tình hình sử dụng quỹ BHYT, thực hiện dự toán, đánh giá mức độ gia tăng tần suất khám chữa bệnh, chi phí ở từng tuyến, hạng bệnh viện và chi tiết đến từng cơ sở y tế, qua đó dễ dàng nhận định và phát hiện nhanh chóng các biến động, diễn biến giữa các kỳ, các tháng ở tất cả các cơ sở y tế; cảnh báo trục lợi BHYT, góp phần minh bạch thông tin, kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng BHYT hoặc cơ sở y tế có biến động bất thường, sử dụng quỹ BHYT chưa thực sự hợp lý, quá mức cần thiết. Trong xây dựng chính sách, cơ sở dữ liệu KCB đã trở thành nguồn thông tin chủ yếu để đánh giá tác động và điều chỉnh chính sách, xây dựng các phương thức chi trả BHYT mới theo định suất và nhóm chẩn đoán, đánh giá và lựa chọn các thuốc, các công nghệ mới vào gói quyền lợi BHYT… 
Tại Hội thảo, các diễn giả đến từ ISSA, Microsoft, WHO, World Bank, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN, Cơ quan BHYT Quốc gia Hàn Quốc, Thái Lan… đã trình bày các bài tham luận, qua đó trao đổi và giải đáp nhiều câu hỏi và bình luận của các đại biểu về các chủ đề: Thực tiễn áp dụng CNTT trong quản lý cung ứng, giám định và thanh toán BHYT của Ngành BHXH Việt Nam; Ứng dụng AI và chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH; Kinh nghiệm ứng dụng AI trong công tác giám định BHYT tại Thái Lan; Ứng dụng AI trong xử lý gian lận, chống trục lợi quỹ BHYT; Khai phá dữ liệu và AI hỗ trợ thiết lập các phác đồ điều trị trong BHYT; Kinh nghiệm ứng dụng AI trong quản lý, thực hiện chính sách BHYT; Kinh nghiệm ứng dụng AI trong lĩnh vực BHYT của các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ…
Với chủ đề “Hệ thống thông tin và y tế số Hàn Quốc”, Tiến sĩ Sang-Beak Chris Kang – Giám đốc Hợp tác toàn cầu – Cơ quan BHYT Quốc gia Hàn Quốc (NHIS) đưa ra cái nhìn tổng quan về trí tuệ nhân tạo, đồng thời chỉ ra chỉ ra những ưu điểm khi ứng dụng này  đồng thời đưa ra thực nghiệm dựa trên những số liệu thu thập cụ thể. Qua đó, hệ thống sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan về Hệ thống y tế công cộng cũng như đánh giá rõ hơn về Kế hoạch BHYT của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt nam nói riêng.
Trong tham luận “Ứng dụng AI trong xử lý gian lận, chống trục lợi quỹ BHYT”, ông Cumarran Kaliyaperumal Giám đốc chuyên môn về Dữ liệu và AI châu Á – Microsoft đã chỉ ra tính thiết thực trong việc sử dụng AI nhằm phòng chống, ngăn ngừa và xử lý các biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, Một trong những tiện ích của hệ thống này là có thể kiểm soát được lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh, qua đó sẽ phát hiện được các trường hợp bất hợp lý.
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong công tác giám định BHYT”.
Thay mặt Lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cảm ơn và đánh giá cao sự tham gia và nhiệt tình đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo cho hệ thống an sinh xã hội của ngành BHXH Việt Nam. Đây cũng là dịp để ngành BHXH Việt Nam được lắng nghe, trao đổi và học tập kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác giám định BHYT nói riêng, qua đó đáp ứng mọi nhu cầu thực tiễn vềg điều kiện phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới, cũng như góp phần đảm bảo hệ thống an sinh xã hội bền vững trong dài hạn. 
“Tất cả ý kiến đóng góp của các quý vị sẽ được chúng tôi nghiên cứu tiếp thu, chắt lọc một cách cầu thị và nghiêm túc trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin giám định điện tử để đạt hiệu quả cao, phù hợp, thích ứng với quá trình phát triển của Việt Nam và thế giới” – Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh./

PV