Khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng
21/10/2021 04:06 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội thảo luận tại tổ về Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid - 19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2022-2024.
Đánh giá về tình hình thực hiện NSNN năm 2021, Ủy ban Tài chính, ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho rằng, năm 2021, nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách tài chính nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành nhiều Nghị quyết thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực NSNN cho phòng chống dịch; nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, chi hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Quochoi
Ủy ban TCNS cũng thẩm tra việc chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội.
Theo đó, việc chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, tổng số kinh phí đã cấp là 30,85 nghìn tỷ đồng. UBTVQH cũng đã kịp thời ban hành các Nghị quyết nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí cho phòng, chống dịch. Ủy ban TCNS cho rằng, việc sử dụng nguồn NSNN chi cho phòng, chống dịch cần tập trung đánh giá toàn diện hiệu quả chính sách đã thực hiện, chỉ rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; tác động thực tế, tính lan tỏa của các chính sách.
Về mua, tiếp nhận và nhu cầu vaccine cần báo cáo cụ thể về số vaccine được hỗ trợ, viện trợ; dự kiến nhu cầu trong trường hợp dịch kéo dài; công khai việc sử dụng Quỹ vaccine; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, đi đôi với bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng kịp thời với các biến chủng COVID mới xuất hiện.
Về chi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, Ủy ban TCNS đề nghị nêu rõ tổng nguồn lực đã bố trí chi mua sắm; kết quả việc sử dụng NSNN trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch; khả năng đáp ứng tình hình hiện nay.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Ủy ban TCNS cho rằng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với những điểm đổi mới nổi bật, chưa có tiền lệ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lý, cơ chế thông thoáng, thuận lợi, giúp Chính phủ chủ động, kịp thời thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đến thời điểm hiện nay, trong lĩnh vực tài chính, ngân sách đã được UBTVQH kịp thời ban hành một số chính sách để tạo nguồn lực ứng phó kịp thời với đại dịch, bao gồm: Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 về bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương số tiền 14.620 tỷ đồng thực hiện công tác phòng, chống dịch; Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
UBTVQH đang đôn đốc để sớm trình một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 (dự kiến hỗ trợ từ NSNN khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng); đã xem xét, cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ trước khi trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 2 về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022, trong đó có khoảng 10.000 tỷ đồng chi thường xuyên cho lĩnh vực y tế để phòng, chống dịch và dự kiến cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để phòng, chống dịch.
Trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ đã thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại của năm 2020 cho công tác mua vaccine năm 2021.
Về cân đối và bội chi NSNN, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với phương án của Chính phủ về dự kiến mức bội chi, nợ công, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ. Tuy nhiên, do còn nhiều nhiệm vụ chi phòng chống dịch dự kiến phát sinh lớn, tác động đến cân đối thu, chi NSNN, đề nghị Chính phủ có giải pháp bảo đảm cân đối NSNN, đồng thời trong những tháng cuối năm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình, có phương án chủ động bố trí nguồn khi phát sinh nhiệm vụ.
Đánh giá về gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, Ủy ban TCNS nhìn nhận, với tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 tới phát triển thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý III giảm mạnh. Vì vậy, Ủy ban TCNS cho rằng, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết.
Do đó cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội. Đồng thời, nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo và đào tạo lại lao động…
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?