Quốc hội nghe báo cáo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự
20/10/2021 04:53 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, chiều nay, 20.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung 3 nội dung gồm: khoản 3 Điều 146 của Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an); khoản 1 Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án; khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại.
Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chỉ đặt ra yêu cầu phải bỏ quy định dẫn chiếu đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý để tương tự với cơ chế bảo vệ bằng thủ tục tố tụng hình sự đối với nhãn hiệu, qua đó, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: ĐBND
Đề nghị này xuất phát từ tính chất, đặc điểm, vị trí, vai trò của chỉ dẫn địa lý, trong đó, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý thông qua quy định cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền chủ động khởi tố vụ án liên quan, sẽ góp phần bảo vệ hiệu quả hơn tài sản quốc gia, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, địa phương, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và phát huy những tác động tích cực khác đến kinh tế - xã hội của đất nước.
Hơn nữa, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đều có tính chất tương đồng, mức độ nguy hiểm như nhau, cùng được quy định tại khoản 1 của Điều 226 Bộ luật Hình sự để xử lý ở 1 khung hình phạt. Do đó, nếu chỉ bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không bỏ quy định này đối với chỉ dẫn địa lý thì sẽ không bảo đảm sự công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp.
“Nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý theo quy định của Bộ luật Hình sự và tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tạm đình chỉ điều tra; tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố trong dự thảo Luật hoàn toàn thống nhất, không có gì mâu thuẫn, chồng chéo với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta hiện nay”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, việc dự thảo Luật sửa đổi khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự là để phù hợp với Hiệp định CPTPP, đồng thời, các nội dung sửa đổi, bổ sung khác cũng bảo đảm sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Do đó, dự thảo Luật hoàn toàn tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Cơ bản thống nhất với các luật liên quan
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trên cơ sở xem xét lý do, phạm vi sửa đổi của dự án Luật thuộc trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí dự án Luật được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy, hồ sơ dự án Luật được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc và công phu, đã kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật cơ bản thống nhất, không có mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp lưu ý, do hiện nay, khoản 3 Điều 146 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) đang quy định thống nhất với khoản 1 Điều 44 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự về trách nhiệm của Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Do vậy, việc sửa đổi khoản 3 Điều 146 của BLTTHS dẫn tới phải sửa đổi đồng thời khoản 1 Điều 44 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Về nội dung cụ thể, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp đề nghị, chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của Bộ luật Tố tụng hình sự để bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý. Bởi, chính sách hình sự nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay: đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý (thuộc loại tội ít nghiêm trọng) quy định tại khoản 1 các điều tương ứng của Bộ luật Hình sự (khoản 1 Điều 171 BLHS năm 1999, khoản 1 Điều 226 BLHS 2015) thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại là trên cơ sở cân nhắc lợi ích của bị hại, dành cho họ quyền lựa chọn xử lý hoặc không xử lý bằng biện pháp hình sự. Trường hợp phạm tội có mức độ nghiêm trọng hơn thuộc khoản 2 điều này thì theo quy định của pháp luật tố tụng từ trước đến nay, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động khởi tố mà không phụ thuộc vào yêu cầu khởi tố của bị hại. Thực tiễn thực hiện các quy định này theo Báo cáo tổng kết của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là đều thuận lợi, hiện nay chỉ phát sinh vướng mắc duy nhất là Bộ luật Tố tụng hình sự chưa tương thích với Hiệp định CPTPP.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị, chỉ thực hiện đúng phạm vi yêu cầu của Hiệp định CPTPP về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt vấn đề đối với chỉ dẫn địa lý. Ý kiến của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Pháp luật , Ủy ban Đối ngoại đều đề nghị cân nhắc kỹ việc sửa đổi này.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng tán thành chủ trương bổ sung trách nhiệm cho Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với sửa đổi khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành theo hướng, bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Nguyên nhân là bởi, trước tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian dài, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, dẫn đến tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong 10 tháng năm 2021 chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đáng lưu ý, đây mới là giai đoạn kiểm tra, xác minh dấu hiệu tội phạm, chưa khởi tố vụ án và chưa khởi tố bị can nên việc tạm đình chỉ trong giai đoạn này cơ bản không ảnh hưởng lớn đến quyền con người, quyền công dân, có thể chấp nhận trong trường hợp bất khả kháng vì điều kiện dịch bệnh.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?