Cải cách tiền lương: Đảm bảo đời sống và quyền lợi cho người lao động
01/11/2023 04:38 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, ngày 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có nội dung cải cách tiền lương.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 01/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.
Đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Góp ý về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiếp tục phát triển hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quochoi
Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hệ chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học vừa qua đã từng bước khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại địa phương, nhất là các vùng khó khăn. Năng lực đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học không ngừng được nâng cao cả về số lượng hoặc chất lượng…
Tuy nhiên, đại biểu Hà Ánh Phượng bày tỏ băn khoăn làm thế nào để đạt kỳ vọng từ năm 2024 - 2030 Việt Nam đạt khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đại biểu cho rằng, việc này rất khó thực hiện và băn khoăn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này.
Đề cập về vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay, đại biểu cho rằng, thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình.
Do tiền lương thấp nên nhiều người đã phải nghỉ chuyển việc hoặc là làm thêm. Vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Và hiện nay phụ cấp của giáo viên rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì.
Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định tiền lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng thời, đại biểu đề nghị phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ.
Theo phương án cải cách chính sách tiền lương đang được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này để áp dụng từ 1/7/2024, chính sách tiền lương mới có 5 bảng lương gồm: 1 bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập) từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, khi thực hiện cải cách tiền lương, 5 bảng lương mới sẽ thay thế cho bảng lương theo hệ số hiện nay đã tồn tại từ năm 2004. Theo đó, hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo, quản lý, loại bỏ hết những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, qua rà soát, có 36 cơ quan, đơn vị của một số ngành không còn được hưởng chính sách lương đặc thù. Thậm chí, nếu xây dựng bảng lương chạy ngang thì có một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương.
Hiện nay, đối tượng không thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung) gồm: Lực lượng vũ trang và viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính đều có mức lương và phụ cấp mới cao hơn so với trước khi cải cách tiền lương.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu.
Bên cạnh đó, có khoảng 134.284 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung từ 0,66 lần đến 2,43 lần), chiếm khoảng 6,78% so với tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức sẽ hưởng tiền lương mới (kể cả phụ cấp) có thể thấp hơn so với trước khi cải cách.
Bởi, Nghị quyết số 1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định đối với các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế chính sách khoán chi hoặc đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù khi thực hiện cải cách tiền lương thì phải áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất; bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù.
Vì vậy, khi cải cách tiền lương, các trường hợp này vẫn phải thực hiện chuyển xếp vào lương mới. Và khi bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù, thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024, tiền lương mới, kể cả phụ cấp của những cán bộ, công chức này có thể thấp hơn so với trước khi cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 27 cũng nêu rõ nguyên tắc “chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng”.
Vì vậy, Chính phủ đưa phương án, nếu lương cơ bản cộng phụ cấp mới thấp hơn so với tiền lương hiện hưởng (bao gồm cả tiền lương tăng thêm) trước cải cách tiền lương thì họ được hưởng lương bảo lưu chênh lệch. Mức bảo lưu chênh lệch này sẽ giảm tương ứng khi điều chỉnh tăng tiền lương mới hàng năm.
Việc quy định cho hưởng bảo lưu chênh lệch này là phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 27, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng hưởng lương trước và sau khi cải cách tiền lương.
Đồng thời, để xử lý bất hợp lý đối với các trường hợp được tuyển dụng mới (sau khi cải cách tiền lương) ở 36 cơ quan, đơn vị hưởng lương đặc thù, Chính phủ đề nghị các đối tượng này khi xếp theo lương mới cũng cho áp dụng mức chênh lệch tương ứng với những người đã tuyển dụng trước khi cải cách tiền lương.
Song song với cải cách tiền lương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị hành chính để đảm bảo một bộ máy sau sắp xếp vừa tinh, vừa gọn thực sự, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, cùng với cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức thì cũng cần xem xét, cải thiện tiền lương đối với người nghỉ hưu để đảm bảo công bằng, tránh cho mức lương quá thấp, không đảm bảo so với tình hình thực tế hiện nay./.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
Ngành BHXH Việt Nam: Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?