Bảo đảm tiền lương, phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở

14/04/2023 08:55 AM


Tại Phiên họp thứ 22 (diễn ra vào ngày 11-12/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".

Theo đó, các Đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có sự kết hợp giữa Ngân sách nhà nước với thực hiện cơ chế tự chủ tài chính để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở để duy trì, thu hút và tạo động lực phát triển theo đúng quan điểm của Nghị quyết số 20-NQ/TW "Nghề y là nghề đặc biệt cần được đãi ngộ đặc biệt".

Đảm bảo tiền lương và chế độ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát cho biết, công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch.

Đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỉ đồng.

Kiến nghị bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ảnh: Hải Nguyễn

Quỹ vaccine phòng chống dịch COVID-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỉ đồng; tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều, trong đó riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỉ đồng. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch.

Theo bà Thúy Anh, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.

Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.

Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% huyện có Trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác sĩ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.

Tuy nhiên, bà Thúy Anh cũng chỉ rõ, hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch. Mới chỉ có các phương án phòng, chống dịch theo tình trạng khẩn cấp mà chưa có phương án trong tình trạng cấp bách (chưa đến mức khẩn cấp).

Tiếp đó, nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được khi có dịch bệnh lớn xảy ra. Chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng nhưng chậm được điều chỉnh, chưa đủ để thu hút, giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, nhất là sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng".

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo. Ảnh: Quochoi

Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát trong đó có nhiều nội dung về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong đó có kiến nghị giao Chính phủ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền các chính sách, chủ trương bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đến năm 2024, nâng mức lương khởi điểm lên bậc 2 trong hệ thống thang bảng lương theo quy định đối với bác sĩ làm việc tại cơ sở y tế; nhân viên y tế tại y tế cơ sở hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề theo mức cao nhất đối với công chức, viên chức.

Tiếp tục quan tâm đảm bảo tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đa dạng hoá các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế.

Chi cho y tế dự phòng chưa hiệu quả và tương xứng với khẩu hiệu "y tế dự phòng là then chốt"

Về cơ bản, hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, trang thiết bị, phần mềm quản lý phục vụ công tác y tế dự phòng được địa phương quan tâm đầu tư; việc bố trí kinh phí cho y tế được thực hiện đúng Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan.

Đặc biệt, sau khi Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 kết thúc, một số địa phương đã kịp thời quy định nội dung chi, mức chi các hoạt động y tế - dân số trên địa bàn, làm cơ sở để tiếp tục bố trí kinh phí triển khai các hoạt động nhiệm vụ của chương trình mục tiêu Y tế dân số giai đoạn 2016-2020 khi chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương.

Toàn cảnh phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội nhận định, ngân sách chi cho y tế dự phòng tại các địa phương cơ bản đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên, các khoản chi chế độ, chính sách và đáp ứng phần nào nhu cầu cần thiết để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn như: truyền thông, giáo dục sức khỏe; kiểm tra, giám sát hỗ trợ đối với tuyến y tế, nhất là tuyến xã và thôn, bản.

Tuy nhiên, việc đầu tư, phát triển cho công tác y tế dự phòng và tổ chức làm công tác y tế dự phòng tuy đã được quan tâm nhưng chưa đủ và chưa hiệu quả và tương xứng với khẩu hiệu "y tế dự phòng là then chốt".

PV