Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022: Còn nhiều không gian để cải thiện
11/04/2023 01:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 11/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022.
Các trung tâm kinh tế lớn tụt hạng
Báo cáo PCI 2022 là ấn phẩm thường niên lần thứ 18 của VCCI và USAID. Với quy mô điều tra toàn diện và phương pháp luận cập nhật định kỳ nhằm phản ánh kịp thời những chuyển động của môi trường kinh doanh Việt Nam, PCI 2022 chuyển tải tập hợp tiếng nói của cộng đồng DN trong và ngoài nước về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố, từ những trải nghiệm thực tế của các DN.
Phát biểu tại Lễ Công bố, ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch VCCI cho biết, khảo sát PCI 2022 được tiến hành trong bối cảnh cộng đồng DN đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và cả những cơ hội đan xen. Vì thế, vai trò của chính quyền địa phương sẽ được chú ý nhiều hơn với những kỳ vọng lớn hơn về tạo thuận lợi môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ DN vượt qua thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.
Trong Bảng xếp hạng PCI 2022, với 72,95 điểm trên thang điểm 100, từ năm 2017 đến 2022, Quảng Ninh liên tục ở vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách thủ tục hành chính. Theo Báo cáo PCI 2022, Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư”. Trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh cũng là điển hình tốt trong việc xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại ở cấp xã.
Năm 2022, tỉnh Bắc Giang đã vươn lên xếp ở vị trí thứ 2 với 72,80 điểm, cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Báo cáo PCI 2022 cho biết, cộng đồng DN trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng DN” của chính quyền tỉnh. Vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2022 thuộc về Thành phố Hải Phòng với điểm số 70,76. Và lần đầu tiên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu góp mặt trong top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI ở vị trí thứ 4 với 70,26 điểm. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là 6/63 trong PCI 2011. Đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm, đây là tên tuổi quen thuộc trong TOP 5 của PCI.
Các vị trí còn lại trong top 10 PCI 2022 lần lượt là Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Long An. Ngoại trừ Long An tăng 6 bậc từ vị trí 16/63 của PCI 2021, các địa phương còn lại đều có mặt trong top 10 PCI 2021. Đặc biệt, 2 thành phố đầu tàu của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM lại có sự tụt hạng rất sâu so với năm trước. Hà Nội từ vị trí thứ 10 của năm 2021 tụt xuống vị trí thứ 20 năm 2022, TP.HCM cũng lùi từ vị trí 14 xuống vị trí 27 trong năm 2022. Ngoài ra, một số thành phố là trung tâm kinh tế lớn khác như Đà Nẵng, Cần Thơ cũng có sự tụt hạng.
Công bố Báo cáo thường niên "Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" (PCI) 2022 (nguồn: Internet)
Cải thiện tích cực về chất lượng điều hành
Điều tra gần 12 ngàn DN trong PCI 2022 thấy được nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN và chính quyền các tỉnh, thành phố trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các DN trong và ngoài nước tiếp tục có trải nghiệm tích cực về sự thay đổi về cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí thời gian và cải thiện chi phí không chính thức của chính quyền địa phương Việt Nam. Bối cảnh kinh tế khó khăn cũng được phản ánh rõ trong điều tra năm nay khi mức độ lạc quan của DN vẫn còn thấp, cảm nhận về sự cải cách trên nhiều lĩnh vực có phần chững lại, bản thân các DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ vốn, nhân lực, hạ tầng cho đến chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền cấp cơ sở.
Báo cáo PCI 2022 ghi nhận 6 xu hướng đáng chú ý về chất lượng điều hành cấp tỉnh. Nhận định quan trọng nhất là chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh có sự cải thiện theo thời gian. Theo đó, kết quả chỉ số PCI gốc cho thấy năm thứ 6 liên tiếp, tỉnh trung vị PCI tiếp tục có điểm số trên 60 điểm trên thang điểm 100. Điểm PCI gốc năm 2022 đạt 65,67 điểm, cao hơn 0,37 điểm so với điểm PCI gốc năm 2021 (65,37 điểm) và liên tục tăng từ năm 2017 cho đến năm 2022. Điểm tổng hợp PCI 2022 có trọng số tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 65,22 điểm, tăng 0,48 điểm so với điểm của PCI 2021 và tương đương với mức điểm PCI 2019– năm trước đại dịch Covid-19 (với tỉnh trung vị đạt 65,13 điểm).
Hình minh họa (nguồn: Internet)
Ghi nhận tích cực thứ hai là "Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến". Tỷ lệ DN phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật giảm từ mức 26% của năm 2021 về 20% trong năm 2022. 89% DN đồng ý rằng “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 87% DN cho rằng “cán bộ thân thiện”. Gánh nặng thanh kiểm tra tiếp tục xu hướng giảm. Tỷ lệ DN ở tỉnh trung vị phải đón tiếp từ 3 đoàn thanh tra trở lên trong năm qua là 7,39%. Tương tự, tỷ lệ DN ở tỉnh trung vị báo cáo tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra trong năm 2022 là 6,69%, giảm từ mức 13,46% của năm 2017. Tuy nhiên, các DN vẫn báo cáo tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt, vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính...
Các DN cũng phản ánh, tình trạng trả chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm. Khảo sát PCI 2022 cho thấy khoảng 42,6% DN có chi trả chi phí không chính thức, giảm khoảng 23 điểm phần trăm so với kết quả trong khảo sát PCI 2016. Tỷ lệ DN dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh từ mức 9,1% của PCI 2016. Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ DN đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho DN là phổ biến” lại gia tăng đáng kể, từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022. Hiện tượng này cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Các phát hiện quan trọng khác cũng được chỉ ra trong Báo cáo PCI 2022 như chất lượng thực thi chính sách ở cấp Sở, ngành và cấp huyện còn nhiều không gian để cải thiện; nhiều loại thông tin và tài liệu đã minh bạch hơn so với trước đây nhưng các DN kỳ vọng khả năng tiếp cận thông tin được cải thiện hơn nữa; tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Một thay đổi lớn của Báo cáo PCI 2022 là lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các DN tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của DN, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng kịch bản linh ...
Đẩy mạnh các phong trào thi đua, quyết tâm hoàn thành các ...
Công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2024 của BHXH Việt ...
BHXH các tỉnh, thành phố: Phát huy tiềm năng, quyết tâm ...
Thủ tướng bổ nhiệm và bổ nhiệm lại nhân sự Hội đồng quản lý ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?