Đẩy mạnh tuyên truyền, đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho Nhân dân
05/03/2021 02:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào sáng 5/3, tại Trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch ban đầu rất hiệu quả của chúng ta, cộng thêm với vaccine. Ảnh VGP
Ngày 8/3 bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19
Báo cáo về vaccine ngừa COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, việc tiếp cận vaccine có nhiều khó khăn, đòi hỏi một quá trình lâu dài do nhu cầu lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế. Trong khi đó, nhiều nước sẵn sàng mua theo “kỳ vọng”, thậm chí đăng ký mua gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.
Ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã bắt đầu đàm phán về vaccine, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, việc đảm bảo đủ vaccine COVID-19 ngay rất khó khăn. Đây là những vaccine mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ; chỉ có hiệu lực bảo vệ từ 6 tháng đến 1 năm (theo báo cáo của nhà sản xuất, đánh giá kiểm nghiệm lâm sàng).
Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích, theo các nghiên cứu, vaccine Pfizer đạt hiệu quả trên 90%, hiệu quả mũi 1, mũi 2 của vaccine AstraZeneca lần lượt 76% và 81%... Như vậy, vaccine không thể đảm bảo phòng dịch 100%, cần phải thực hiện nghiêm thông điệp “Vaccine + 5K”.
Về việc tiếp cận vaccine qua COVAX Facility của Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đăng ký và được phê duyệt, trở thành 1 trong 92 nước nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vaccine giai đoạn đầu tiên. Cơ chế này do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Chương trình tiêm chủng mở rộng (GAVI), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh đổi mới ứng phó dịch bệnh (CEPI)… xúc tiến, để cung cấp vaccine một cách công bằng cho các quốc gia đang phát triển. COVAX Facility chủ yếu sử dụng vaccine AstraZeneca, cung ứng cho Việt Nam khoảng 5 triệu liều vào năm 2021, còn lại khoảng 25 triệu liều sẽ cung ứng vào năm 2022.
Cảnh báo lừa đảo trong vấn đề cung ứng vaccine ở trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc các công ty khẳng định có thể cung ứng vaccine AstraZeneca là không đúng, bởi tất cả các vaccine hiện nay đều phải qua Bộ Y tế cấp phép.
Đối với 117.000 liều vaccine AstraZeneca đã về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 3/3, Việt Nam đã có giấy kiểm định chất lượng lô xuất xưởng của Hàn Quốc và các cơ quan kiểm nghiệm độc lập. Sau đó, Bộ Y tế đã giao cho các lực lượng kiểm nghiệm vaccine và khẳng định, đến nay đã đủ điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đầu tuần tới sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh VGP
Theo đó, ngày 6/3, Bộ Y tế sẽ tập huấn toàn tuyến trên toàn quốc liên quan đến việc hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản, tiêm, xử lý tai biến sau tiêm… Dự kiến, ngày 8/3, những liều vaccine đầu tiên sẽ được tiêm theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19. Cụ thể, những người trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại 18 cơ sở điều trị sẽ được tiêm đầu tiên, sau đó tiến hành tiêm cho các vùng dịch của 13 tỉnh, thành phố ghi nhận các ca mắc COVID-19 thời gian qua, đặc biệt là Hải Dương… Với những người được tiêm, Bộ Y tế đã thiết kế quá trình quản lý, theo dõi, giám sát bằng hồ sơ sức khỏe điện tử.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, không nên để xuất hiện tâm lý “vaccine giải quyết được hết các vấn đề dịch bệnh”, phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, giảm rủi ro nguồn bệnh lây nhiễm ra ngoài. Ban Chỉ đạo yêu cầu việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải bảo đảm nguyên tắc công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc, khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn, đặc biệt phải thông đầy đủ cho người dân, chuẩn bị đầy đủ phương án xử lý những vấn đề, sự cố phát sinh trong quá trình tiêm chủng.
Đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tiếp cận vaccine nước ngoài ngay từ rất sớm; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước; đồng thời đề nghị, khi có vaccine ngừa COVID-19, Bộ Y tế tổ chức tiêm, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất. Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi 2 lý do chính.
Thứ nhất, trong những đợt tiêm chủng mở rộng đối với những vaccine đã ổn định, rồi cũng có lúc xảy ra sự cố, sơ suất, nếu không chuẩn bị tốt sẽ có thể thành những sự cố lớn.
Thứ hai, tất cả những loại vaccine trước đây tiêm ở Việt Nam đều là những vaccine được phát triển theo quy trình lúc bình thường với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại lên đến 12 năm. Trong khi đó, những vaccine ngừa COVID-19 được nghiên cứu, phát triển theo trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Do đó, chúng ta càng phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân, và khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Toàn cảnh phiên họp, nguồn ảnh: VGP
Đến nay, Việt Nam có 3 ứng viên vaccine, 1 loại đã hoàn thành quá trình thứ nghiệm trên người giai đoạn một cho kết quả tốt và đã tiến giai đoạn thử nghiệm thứ hai. Hai vaccine còn lại, tới đây Bộ Y tế sẽ khẩn trương tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn 1. Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vaccine trong nước phải “tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn, nhưng cố gắng nhanh nhất có thể”.
Theo Phó Thủ tướng, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có một số vaccine sản xuất trong nước rất tốt và nếu nghiên cứu, phát triển thành công vaccine ngừa COVID-19, chúng ta sẽ chủ động được nguồn vaccine cho 100 triệu dân, vì những thông tin ban đầu cho thấy các vaccine ngừa COVID-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để năng lực nghiên cứu vaccine của Việt Nam bước lên một tầm mới, để chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Đối với những nước đối tác có tiềm lực sản xuất vaccine và đã triển khai tiêm cho người dân, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã được tiêm vaccine ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam bảo đảm an toàn, phục vụ mục tiêu kép.
Ban Chỉ đạo lưu ý, trong thời gian tới, với việc triển khai tiêm vaccine rộng rãi ở các nước cũng như tại Việt Nam thì cần chuẩn bị sớm tập trung nghiên cứu, cải tiến, chuẩn bị các điều kiện sản xuất các loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh).
Siết chặt việc cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đến nay, dịch COVID-19 ở trong nước cơ bản đã được kiểm soát tốt, song các lực lượng cần tiếp tục duy trì tinh thần sẵn sàng, cảnh giác. Tình hình dịch bệnh trên thế giới đã “bớt nóng” hơn so với trước đây nhưng Việt Nam vẫn là “cánh đồng trũng, bên ngoài vẫn còn nước to, gió lớn” nên cần thực hiện tiếp các giải pháp trước đây, “bao chặt bên ngoài, bên trong thực hiện các chiến lược đã triển khai từ trước đến nay”. Trên tinh thần cảnh giác trước nguy cơ mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng, các lực lượng phải tập trung phát hiện sớm, truy vết nhanh, khoanh thật gọn.
“Chúng ta là nước nghèo, phải chiến thắng dịch bệnh bằng công thức của Việt Nam sao cho chi phí rẻ nhất, bớt xáo trộn đời sống của nhân dân. Thực tiễn từ khi diễn ra dịch bệnh đến nay, chúng ta đã làm rất tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, mọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên Bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).
“Ban Chỉ đạo và cá nhân tôi đã nhiều lần yêu cầu thực hiện việc tự đánh giá, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch nhưng đến nay chỉ có rất ít các cơ sở lưu trú, trạm y tế, phòng khám tư nhân… làm nghiêm túc. Các đồng chí phải siết lại, vì sức khoẻ nhân dân để đôn đốc triển khai quyết liệt thậm chí kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động những nơi không thực hiện nghiêm túc”, Phó Thủ tướng gay gắt.
Phó Thủ tướng lưu ý “trước đây khi chưa có vaccine chúng ta vẫn đang chống dịch tốt”, vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch chủ động. Cá nhân là thông điệp 5K, còn tất cả cơ sở pháp nhân, tổ chức phải tự đánh giá, cập nhật lên bản đồ chống dịch. Đây là những biện pháp phòng chống dịch căn bản, bảo đảm an toàn dịch bệnh lâu dài.
PV (t/h)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
[Infographic] Những con số ấn tượng của ngành BHXH Việt Nam ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?