Tạo điều kiện để lao động nữ thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội
04/03/2021 02:56 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiếm tỷ lệ trên 50,23% dân số, phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trong độ tuổi lao động ở nước ta lên đến hơn 66%, cao hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (bên trái ảnh) cùng các đại biểu nữ ưu tú tham dự Đại hội XIII của Đảng, nguồn ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay chỉ có 28% trẻ em trong nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi đến trường (nhà trẻ), nguyên nhân có nhiều, trong đó không có nơi để gửi con là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Ở những nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất đông lao động nhập cư, hệ thống trường mầm non chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu. Hơn một nửa số trẻ trong độ tuổi được gửi vào các nhóm lớp tư thục.
Ðiều đáng nói là các cơ sở thuộc loại hình này còn rất nhiều nhược điểm như: Cơ sở vật chất chưa bảo đảm theo quy định, chất lượng giáo viên chưa đạt yêu cầu, công tác quản lý, giám sát của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ… nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Nhiều vụ bạo hành đã xảy ra ở các cơ sở này, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục. Không còn lựa chọn nào khác, nhiều người lao động nữ phải gửi con về quê cho ông bà, người thân trông nom. Và khi phải gửi con về quê tức là quyền “được sống chung với cha mẹ" của trẻ đã không được đảm bảo đầy đủ.
Từ năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020” (gọi tắt là Đề án 404). Tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu chính đáng của nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi.
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, chiếm tỷ lệ trên 50,23% dân số, phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trong độ tuổi lao động lên đến hơn 66%, cao hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tạo ra nhiều cơ hội song cũng tạo ra nhiều thách thức cho lao động nữ Việt Nam. Lực lượng lao động nữ chưa qua đào tạo chiếm số lượng lớn, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu cao của thị trường lao động. Theo báo cáo năm 2019, còn khoảng 79,5% lao động nữ trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo. Đây là nhóm yếu thế trên thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn bình quân chung của cả nước, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp. Những vấn đề đó đã tác động rất nhiều đến cuộc sống gia đình, cơ hội phát triển nghề nghiệp và tạo ra bất bình đẳng đối với lao động nữ. Điều này cho thấy, để có cơ hội có việc làm thì lao động phải được đào tạo. Đào tạo nghề chính là chìa khóa để phụ nữ mở được cánh cửa việc làm, có thu nhập ổn định.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định: Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng, thông qua các Chương trình, Đề án của Chính phủ. Tuy nhiên, các Đề án này thời gian đào tạo ngắn, chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, nội dung đào tạo tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề mang tính giản đơn, chưa tạo ra thay đổi căn bản để người lao động thích ứng được với cách mạng 4.0. Do vậy, để giúp lao động nữ có cơ hội có việc làm, Nhà nước cần đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách đào tạo nghề, có chính sách đào tạo nghề riêng cho phụ nữ, có các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm cho nữ có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường. Phát triển các dịch vụ gia đình như chăm sóc người già, trẻ em... giúp phụ nữ có cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng. Có như vậy mới góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Có thể nói, tình hình mới đang tạo ra nhiều cơ hội song cũng tạo ra không ít thách thức cho phụ nữ. Những thách thức ấy, nếu được quan tâm giải quyết sẽ tác động tích cực trong việc cải thiện địa vị của người phụ nữ trong vai trò người mẹ, người lao động và người công dân. Qua nghiên cứu và từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ nông thôn, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, cần coi đây là vấn đề nền tảng phúc lợi, là ưu việt mà chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại cho mỗi người dân để từng bước quan tâm giải quyết.
PV (Theo TTXVN)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
[Infographic] Những con số ấn tượng của ngành BHXH Việt Nam ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?