COVID-19

Cần thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch Covid-19

10/04/2020 04:45 PM


Ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện những tác động từ dịch Covid-19 tới các mặt đời sống xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh: "Hội nghị cần đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nước, các đối tác lớn của chúng ta đều bị ảnh hưởng rất trầm trọng. Nhiều nước được dự báo gặp suy thoái kinh tế, kể cả Mỹ, Nhật Bản và EU nếu dịch không sớm kết thúc. So với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, thì lần này thế giới khó khăn hơn nhiều. Một cú sốc toàn cầu, một cuộc suy thoái đang diễn ra nghiêm trọng nếu như dịch tiếp tục lan ra.

Đặc biệt, dịch Covid-19 đã tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của Việt Nam. Trong quý I/2020, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011- tuy nhiên, đây là mức tăng cao nhất khu vực. Trước hết, các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng...

 Những vấn đề như trên rất hệ trọng, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình DN của Việt Nam. Nếu không có biện pháp duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế-xã hội, kể cả bất ổn xã hội. Chúng ta cần bảo đảm thực hiện nghiêm túc các biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ có vậy, phải làm sao biến nguy thành cơ, sau dịch Covid-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua, mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

“Do đó, Hội nghị cần đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trước tác động của dịch Covid-19, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ an sinh xã hội. Các gói giải pháp tiền tệ, tài khóa ước tính trị giá 330.000 tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ USD (hiện Thủ tướng đã chỉ đạo nâng lên mức 22 tỷ USD) cũng đã và đang thực hiện. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 7/4/2020 cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với các chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc cho vay ưu đãi hướng tới 6 nhóm đối tượng cụ thể.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa nghiên cứu thành công vắc-xin và thuốc điều trị, thì khả năng thời điểm kết thúc dịch của các quốc gia là rất khác nhau. Một số quốc gia có thể kiểm soát sớm được dịch, nhưng chỉ cần một vài quốc gia còn dịch, thì chính sách phòng vệ vẫn còn tiếp tục, việc phục hồi nhanh nền kinh tế trở lại như thời điểm trước dịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có các giải pháp mạnh hơn hỗ trợ nền kinh tế. Vì thế, Bộ KH-ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo đó, kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công. “Nhưng quan trọng không kém, cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng… Cần hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực DN trước khi dịch kết thúc, để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

PV