Đề xuất 11 chính sách cần thiết phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030

09/04/2020 05:00 PM


Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội thứ XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã trình bày Tờ trình Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) giai đoạn 2021-2030. Đề án đề cập cụ thể chính sách cần thiết nhằm phát triển KT-XH vùng DTTS&MN.

Theo đánh giá chung của Đề án, kinh tế phát triển, trong những năm qua, các địa phương vùng đồng bào DTTS&MN đều đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Dần hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa: cà phê, chè, cao su, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ… Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS&MN từng bước được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng vùng, từng khu vực. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS nước ta được quan tâm; một số sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể được khôi phục, lưu truyền…

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhận định, mặc dù có bước phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng vùng DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước. Hạ tầng KT-XH thấp kém, kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập, còn tình trạng di cư tự do, thiếu đất sản xuất, nước thiếu sạch, nước sinh hoạt, chất lượng dịch vụ y tế thấp, tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị…

Về nguyên nhân, theo Đề án, xuất phát điểm của vùng đồng bào DTTS&MN thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực thấp; rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư; cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật, đang là thách thức lớn; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, thiên tai, bão lũ ảnh hưởng rất lớn đến vùng đồng bào DTTS&MN sinh sống như: tình trạng sạt lở đất, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu long; lũ ống, lũ quét ở các tỉnh Tây Bắc; hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung... làm cho đời sống của đồng bào DTTS đã khó khăn lại càng khó khăn thêm…

Từ thực tiễn trên, Đề án đã đề xuất cụ thể những chính sách cần thiết tiếp tục điều chỉnh, bổ sung để thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 nhằm phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS & MN. Cụ thể gồm có:

Thứ nhất, chính sách hỗ trợ đất ở, cải thiện nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Thứ hai, chính sách đầu tư sắp xếp hộ dân di cư tự phát, hộ sinh sống ở rừng phòng hộ xung yếu, rừng đặc dụng, khu vực hay xảy ra thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vào khu tái định cư.

Thứ ba, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS.

Thứ tư, chính sách tín dụng cho hộ DTTS và hộ nghèo sinh sống ở vùng ĐBKK.

Thứ năm, chương trình 135 và Chương trình 30a.

Thứ sáu, chính sách hỗ trợ học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú.

Thứ bảy, chính sách cử tuyển.

Thứ tám, chính sách mua BHYT cho người nghèo, hộ DTTS.

Thứ chín, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển DTTS rất ít người.

Thứ mười, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.

Thứ mười một, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010).

Tuy nhiên, Đề án cũng nêu rõ, cần nghiên cứu, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung định mức cho phù hợp với vùng, miền và thực tế của từng địa phương theo hướng: Trung ương ban hành chính sách khung, phân cấp cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể.

Bên cạnh những chính sách cần thiết triển khai đã đề xuất, Đề án cũng đề nghị nghiên cứu đề xuất không tiếp tục áp dụng các chính sách về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; chính sách cử tuyển đối với các DTTS không thuộc nhóm dân tộc rất ít người và nhóm DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chính sách tăng cường tri thức trẻ về nông thôn, miền núi; và chính sách nhân viên hợp đồng quy định tại chính sách củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở ở các xã địa bàn trọng yếu (theo Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 15/5/2014).

PV