Đảng Cộng sản Việt Nam: Những bước tiến quan trọng
03/02/2024 08:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử của đất nước. Từ khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta đấu tranh dành những thắng lợi vĩ đại: Đưa đất nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành nước một nước độc lập; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người tự do; đất nước tiến vững chắc trên con đường đã chọn - Độc lập dân tộc gắn liền Chủ nghĩa xã hội.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng là dịp để nhìn lại những mốc son chói lọi trong chặng đường vẻ vang của Đảng, kế thừa, phát huy truyền thống quý báu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa!
Lãnh đạo quần chúng nhân dân kiên cường vượt qua những chặng đường đấu tranh với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh
Ngay sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa to lớn đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là, cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh: Làm rung chuyển chế độ thống trị của đế quốc Pháp và tay sai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng cách mạng đã vùng dậy trừng trị bọn cường hào, phản động, tay sai thực dân Pháp, thành lập chính quyền cách mạng ở một số nơi theo hình thức Xô Viết. Cao trào cách mạng 1930-1931 đã khẳng định đường lối cách mạng Việt Nam do Ðảng đề ra là đúng đắn và để lại những bài học quý báu về xây dựng liên minh công - nông, xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất, về phát động phong trào quần chúng đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945. Ảnh: ST
Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939): Bằng sức mạnh đoàn kết của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ; quần chúng được giác ngộ về chính trị và trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng; Đảng đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất, kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp...
Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945) dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với sự đoàn kết hăng hái, chiến đấu ngoan cường và hy sinh to lớn của biết bao đảng viên cộng sản, chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã kết thúc thắng lợi bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã phá tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên Nhân dân ta mấy mươi thế kỉ, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Khái quát ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Bên cạnh thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất”, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; còn là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia
Sau chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đồng thời tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân lao động. Tuy nhiên, việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế kinh tế tập trung bao cấp không còn phù hợp và đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm; việc hoạch định và thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, có lúc, có nơi đã mắc sai lầm khuyết điểm chủ quan, duy ý chí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 5/9/1960, Đảng Lao động Việt Nam họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết thực tiễn, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới bằng nhiều văn bản quan trọng: ngày 20/9/1979, Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương”; ngày 13/1/1981, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”; ngày 21/1/1981, Chính phủ ban hành Quyết định số 25/QĐ-CP về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh; tháng 6/1985 Hội nghị Trung ương 8, khóa V có Nghị quyết thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa; tháng 8/1986, Bộ Chính trị có Kết luận về 3 quan điểm kinh tế trong tình hình mới... Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trước bối cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay tiếp tục khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới không ngừng được bổ sung và phát triển. Ðảng Cộng sản Việt Nam từng bước hoàn thiện và cụ thể hóa toàn diện các định hướng đổi mới, phát triển, xác định rõ trọng tâm trong từng giai đoạn. Ban Chấp hành Trung ương Ðảng các khóa đã ban hành nhiều Nghị quyết về những vấn đề quan trọng; lãnh đạo để Quốc hội không ngừng bổ sung, hoàn thiện, thể chế hóa Hiến pháp, hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đồng bộ, phù hợp cho quá trình đổi mới; lãnh đạo Chính phủ cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý, quản trị phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Qua hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta vượt qua khủng hoảng kinh tế, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Văn hóa - xã hội có được củng cố, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những thành tựu quan trọng, sớm hoàn thành nhiều chỉ tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được quốc tế đánh giá cao. Diện mạo đất nước và đời sống của Nhân dân có nhiều thay đổi. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Số lượng đảng viên không ngừng gia tăng. Từ Đại hội lần thứ I (1935) Đảng ta có khoảng 500 đảng viên đến Đại hội lần thứ XIII (2021) Đảng ta có hơn 5,1 triệu đảng viên. Đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước. Nhiều đảng viên đã để lại nhiều tấm gương tốt thể hiện tinh thần tiên phong và tính gương mẫu.
Thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Ảnh minh họa, nguồn Internet
Những thành tựu đó đã tạo đà cho sự phát triển trong những năm tiếp theo; đồng thời cũng là minh chứng sinh động khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta…
Ôn lại những mốc son chói lói trong lịch sử 94 năm thành lập Đảng, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Tự hào với những thắng lợi đã đạt được để cùng hướng tới tương lai tươi sáng, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục chèo lái con thuyền đất nước tiến lên vững mạnh: Tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh thế giới và nhân loại đứng trước những biến động lớn, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng là niềm cổ vũ lớn lao cho sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc Việt Nam. Chúng ta tin tưởng rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn hơn nữa để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.a
PV (tổng hợp)
Chi tiết >>
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
BHXH Việt Nam quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiệt ...
BHXH tỉnh Đắk Nông: Đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm về đích ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin ngành ...
Ngành BHXH Việt Nam: Mong muốn nhận được nhiều ý kiến phản ...
Hà Nội: Người dân được hưởng lợi từ nghị quyết hỗ trợ BHXH, ...
Bản tin Audio số 35 - Tuần 4 tháng 10/2024
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?