Sớm đưa các quyết sách, Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống

01/12/2022 09:10 AM


Đánh giá về Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, tại Kỳ họp này không có ý kiến nào của đại biểu Quốc hội không được tổng hợp, tiếp thu, giải trình. Thậm chí, có những nội dung trong dự án Luật chỉ có 3 - 5 đại biểu Quốc hội cho ý kiến, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ, các cơ quan hữu quan phân tích thấu đáo, nghiên cứu tiếp thu và tìm phương án tối ưu nhất. Trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật, Chính phủ đều có văn bản thể hiện sự đồng tình, thống nhất. Điều đó cho thấy, Quốc hội rất cầu thị, lắng nghe và thể hiện rõ vai trò đại biểu Quốc hội là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội.

Nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc, trí tuệ

Đánh giá về Kỳ họp thứ Tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại Kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Thời gian tổ chức kỳ họp được rút ngắn hơn so với thông lệ, nhưng vẫn bảo đảm nâng cao chất lượng. Kỳ họp tiếp tục phát huy dân chủ và tăng tính pháp quyền XHCN, thể hiện ở sự lãnh đạo của Đảng được bảo đảm xuyên suốt quá trình chuẩn bị và diễn ra Kỳ họp, lan tỏa được tinh thần, kết quả của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII đến hoạt động Quốc hội. Kỳ họp được tổ chức chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

“Kỳ họp này không có ý kiến nào của đại biểu Quốc hội mà không được tổng hợp, tiếp thu, giải trình, kể cả ý kiến thảo luận ở tổ, ở hội trường. Thậm chí, có những nội dung trong dự án Luật mà chỉ có 3 - 5 đại biểu Quốc hội phát biểu, cho ý kiến, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ, các cơ quan hữu quan phân tích thấu đáo, nghiên cứu tiếp thu và tìm phương án tối ưu nhất. Trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật, Chính phủ đều có văn bản thể hiện sự đồng tình, thống nhất. Điều đó cho thấy, Quốc hội rất cầu thị, lắng nghe và thể hiện rõ vai trò đại biểu Quốc hội là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Kỳ họp thứ Tư đã phát huy tối đa trí tuệ của đại biểu Quốc hội trong việc cho ý kiến các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết, tranh luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến phát biểu rất xác đáng, sâu sắc. Đáng lưu ý, với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trước khi bấm nút thông qua, các đại biểu còn băn khoăn về việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hết sức thận trọng, chỉ đạo 2 lần xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Sau đó có giải trình, tiếp thu, chỉnh lý kỹ lưỡng và phương án đưa ra đã được các đại biểu Quốc hội đồng tình, thống nhất cao.

Chương trình kỳ họp được sắp xếp khoa học, chặt chẽ, nhưng trong trường hợp cần thiết vẫn có sự điều chỉnh linh hoạt, bảo đảm giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Minh chứng cho tinh thần này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ví dụ, thời gian diễn ra Kỳ họp, Chính phủ có đề nghị Quốc hội xem xét nội dung bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân khi thực hiện hoạt động nhập cảnh tại các nước. Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã có chỉ đạo về vấn đề này, làm việc với các cơ quan liên quan. Khi bổ sung nội dung này vào chương trình kỳ họp, vẫn bảo đảm bố trí thời gian thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường và giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Hay việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp, chưa thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cho thấy sự thận trọng, kỹ lưỡng của Quốc hội trước những vấn đề lớn, có tác động tới sự phát triển của ngành y tế, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân. 

Sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật

Tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật, nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Vấn đề tới đây là phải đưa những Luật, Nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào đời sống. Nhấn mạnh nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan có liên quan rà soát các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua để xác định rõ các nội dung, điều khoản cần xây dựng văn bản hướng dẫn để ban hành theo thẩm quyền, hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm thời hạn các văn bản hướng dẫn có hiệu lực đồng thời với thời gian có hiệu lực thi hành của Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ Tư, trong số những Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua có Luật, Nghị quyết có quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội ban hành văn bản quy định chi tiết. Cụ thể, Nội quy Kỳ họp Quốc hội có 5 nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 3 nội dung giao Tổng Thư ký Quốc hội ban hành văn bản quy định chi tiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành văn bản quy định chi tiết, như hướng dẫn tổ chức Kỳ họp bất thường, hướng dẫn hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp trực tiếp, quy định thể lệ bỏ phiếu, mẫu phiếu biên bản kiểm phiếu, quy định hồ sơ người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử, quy định về mẫu biên bản họp Đoàn Đại biểu Quốc hội…

Sớm đưa các quyết sách, Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng có nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao các cơ quan của Quốc hội tiếp tục rà soát, đề xuất các nội dung cần ban hành văn bản quy định chi tiết để Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, xây dựng kế hoạch ban hành văn bản quy định chi tiết.

Sau mỗi Kỳ họp, nên có Hội nghị triển khai kết quả Kỳ họp, nếu chưa tổ chức được Hội nghị, cần xây dựng kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai kết quả Kỳ họp. Đề xuất vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Kế hoạch này do Tổng Thư ký Quốc hội trình trước Quốc hội (tổng hợp trên cơ sở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trình). Tất cả các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc chủ trì thẩm tra dự án Luật, dự thảo Nghị quyết nào phải bám sát Luật, Nghị quyết đó (ngay cả khi đã thông qua), xây dựng kế hoạch triển khai và theo dõi quá trình triển khai, thi hành Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

Các Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ Tư có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tạo điều kiện để khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khí trong nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình; đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội trong việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả trong công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ… Do vậy, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các Luật, Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật.

Có như vậy, những chính sách, pháp luật do Quốc hội ban hành mới sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, biến thành hiện thực sinh động, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

PV