Chính thức thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh

10/01/2023 08:57 AM


Chiều 9/1, các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), với 386/473 phiếu tán thành (chiếm 77,82% tổng số đại biểu Quốc hội).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về đề nghị bổ sung giải thích cụm từ “KCB theo yêu cầu” trong dự thảo luật, Ủy ban TVQH xin được báo cáo như sau: Trong KCB, việc sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật luôn phải bảo đảm theo đúng yêu cầu về chuyên môn và bảo đảm chất lượng đối với mọi đối tượng người bệnh. Trong nhiều trường hợp, mặc dù áp dụng cùng một phương pháp KCB, nhưng vẫn có nhiều cách lựa chọn cụ thể khác nhau (ví dụ về nguồn gốc xuất xứ hoặc thế hệ mới của thuốc, vật tư y tế). Trong một số trường hợp, người bệnh có nhu cầu lựa chọn thuốc, vật tư y tế với những ưu thế nhất định (nhưng thường có chi phí cao hơn).

Bên cạnh yếu tố y tế, người bệnh có thể yêu cầu một số dịch vụ có tính chất hỗ trợ chăm sóc và thêm tiện ích cho người bệnh trong quá trình KCB (như khám bệnh theo giờ, phòng riêng khi nằm viện, hỗ trợ chăm sóc sinh hoạt cá nhân...) ở mức cao hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu của mình. Vì vậy, việc bổ sung khái niệm “KCB theo yêu cầu” trong luật là không thực sự cần thiết.

386/473 phiếu tán thành (chiếm 77,82% tổng số đại biểu Quốc hội) thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh: Quochoi

Về dinh dưỡng trong KCB (Điều 67), Bộ Y tế cho rằng, hoạt động KCB, chẩn đoán, điều trị bệnh suy dinh dưỡng đang được các cơ sở KCB thực hiện theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế giống như tất cả các bệnh lý khác và cơ bản sẽ thực hiện theo quy định tại các Điều từ 61 đến 66 của dự thảo luật. Hoạt động dinh dưỡng trong hoạt động KCB gồm các nội dung như: Khám, đánh giá, phân loại mức độ suy dinh dưỡng, nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân vào khám, điều trị tại BV nói chung, sau đó tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh về chế độ ăn/dinh dưỡng theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và tiếp tục theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh để có tư vấn, hướng dẫn kịp thời.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2879/QĐ-BYT ngày 10/8/2006 về “Hướng dẫn chế độ ăn BV”. Hiện nay, việc điều trị suy dinh dưỡng cho người bệnh đã được thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất, vi chất, vitamin, acid amin, protein, lipid, glucose, glucid… được quỹ BHYT thanh toán theo quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

“Do đó, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ban soạn thảo đề xuất sửa Điều 67 về dinh dưỡng trong KCB như sau: Dinh dưỡng trong KCB là hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và việc tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng trong KCB; nội dung hoạt động dinh dưỡng trong KCB gồm (khám, đánh giá, phân loại mức độ suy dinh dưỡng, tư vấn, hướng dẫn chuyên môn về dinh dưỡng bệnh lý và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh; giáo dục, truyền thông về dinh dưỡng)”- bà Thúy Anh nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật trong KCB (Điều 104), Ủy ban TVQH khẳng định, Luật BHYT có quy định về quyền lợi và chuyển tuyến KCB. Việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật trong dự thảo luật không ảnh hưởng đến việc chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật trong KCB BHYT hiện nay. Hơn nữa, để có thời gian bảo đảm việc chuẩn bị để có tính tương tích giữa quy định của Luật này và Luật BHYT, Khoản 7, Điều 120 của dự thảo luật quy định việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở KCB được thực hiện từ 1/1/2025. Theo dự kiến, Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội đề xuất sửa đổi Luật BHYT, trong đó sẽ sửa đổi các quy định tương ứng nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa 2 luật này.

Có ý kiến ĐBQH cho rằng, dự thảo chưa làm rõ sự kết nối giữa các cấp KCB và chưa bảo đảm điều tiết toàn hệ thống, đề nghị bổ sung 2 nguyên tắc: Quy hoạch hệ thống cơ sở y tế theo 3 cấp chuyên môn phù hợp với địa bàn theo vùng miền; chuyển cấp chuyên môn kỹ thuật của người bệnh và tính giá dịch vụ giữa các cấp bảo đảm hài hòa về nguồn thu giữa các tuyến và sự phát triển bền vững của hệ thống.

Ủy ban TVQH khẳng định, việc quy hoạch cơ sở KCB được thực hiện trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, thuộc Quy hoạch ngành quốc gia và Quy hoạch cấp tỉnh, phù hợp với các yếu tố dân số, nhu cầu KCB của người dân các vùng miền, địa phương, theo hướng kết hợp hài hòa giữa các cơ sở KCB ban đầu, cơ bản và chuyên sâu với các cơ sở KCB khác, bảo đảm mọi người dân được theo dõi sức khỏe, tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc bảo vệ, nâng cao sức khỏe; quá trình đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở KCB sẽ tuân thủ theo quy hoạch; việc phân cấp chuyên môn kỹ thuật theo 3 cấp theo chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm người dân tiếp cận cơ sở KCB thuận tiện, hợp lý (phù hợp với nhu cầu theo tình trạng bệnh tật), với dịch vụ có chất lượng và phù hợp với phạm vi chuyên môn của cơ sở.

Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV. 

Bên cạnh đó, việc chuyển người bệnh KCB theo cấp chuyên môn kỹ thuật và tính giá dịch vụ KCB giữa các cấp sẽ do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và năng lực chuyên môn của từng cấp chuyên môn bảo đảm cung cấp dịch vụ phù hợp với tình trạng bệnh của người bệnh. Việc tính giá dịch vụ kỹ thuật hiện tại đang áp dụng giống nhau ở tất cả các tuyến và hạng BV, trừ giá dịch vụ kỹ thuật tại trạm y tế. Giá khám bệnh, giá ngày giường áp dụng theo hạng BV. Khi triển thực hiện luật này, việc tính giá sẽ áp dụng theo quy định dựa trên các yếu tố hình thành giá.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị trong trường hợp Bộ Y tế chưa định giá dịch vụ KCB thì cơ sở KCB được quyền định giá, bà Thúy Anh khẳng định, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay cơ bản các dịch vụ KCB đã được áp giá và xếp tương đương, còn một số loại dịch vụ chưa có giá trực tiếp hoặc chưa được xếp tương đương là những kỹ thuật không cần quy định giá riêng, vì đã cấu thành trong định mức kinh tế kỹ thuật của dịch vụ kỹ thuật hoặc đã có chung với định mức kỹ thuật của các dịch vụ kỹ thuật tương ứng này ở đối tượng khác; một số loại chưa được xếp tương ứng là do đã cấu thành trong định mức kinh tế của dịch vụ giường bệnh nội trú, trùng lặp với các mục thanh toán khác, có kỹ thuật chỉ là một bước của một quy trình hoàn chỉnh…

Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ KCB (Thông tư số 19/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022); trong giai đoạn hoàn thiện và ban hành danh mục kỹ thuật chuyên môn trong KCB (thay thế cho danh mục 18.598 kỹ thuật đã ban hành tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT và Thông tư số 21/2017/TT-BYT) cũng như bổ sung các dịch vụ đã thực hiện tại các cơ sở KCB mà chưa đưa vào danh mục giá; dự kiến đầu năm 2023, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục này. Ngoài ra, về nguyên tắc, các dịch vụ kỹ thuật cơ sở KCB được phép thực hiện là phải kèm theo giá dịch vụ.

“Vì vậy, xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo luật. Cùng với đó, Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm hoàn thiện, ban hành danh mục kỹ thuật chuyên môn trong KCB kèm theo giá và bổ sung các dịch vụ đã thực hiện tại các cơ sở KCB mà chưa đưa vào danh mục giá để tạo điều kiện hoạt động thông suốt của cơ sở KCB”- bà Thúy Anh nêu.

PV