Thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân gắn với bảo đảm an sinh xã hội

18/11/2021 07:35 PM


Sáng nay (18/11), tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2021, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về đề nghị xây dựng 6 dự án Luật gồm: Luật Giá (sửa đổi), Luật BHYT (sửa đổi), Luật BHXH (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dịch điện tử.

Theo đó, tại Phiên họp, Chính phủ đã thống nhất thông qua đề nghị xây dựng các dự án luật nói trên; đồng thời giao các cơ quan chủ trì xây dựng tiếp thu các ý kiến thảo luận, để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Đặc biệt, cần phân tích rõ các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn để trình các cấp có thẩm quyền, bảo đảm chất lượng, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các cơ quan đã căn cứ chương trình làm việc, tích cực chuẩn bị các hồ sơ, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để trình các cấp có thẩm quyền. Đồng thời nhấn mạnh, yêu cầu chung với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.

Toàn cảnh Phiên họp

Theo Thủ tướng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, pháp luật, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực bảo đảm công khai, minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong quá trình thiết kế chính sách, pháp luật, cần giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội, đẩy mạnh hợp tác công-tư trên nền tảng phát huy dân chủ, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, đẩy mạnh kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế…

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ưu tiên bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác này; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ trưởng khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót vấn đề, để khoảng trống pháp lý giữa các luật. Song song với nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, cần nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo quan điểm người dân và DN là trung tâm, là chủ thể của mọi chính sách; con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Đáng chú ý, về đề nghị xây dựng Luật BHYT (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ, đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phân tích kỹ thêm tác động của các chính sách trên cơ sở bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý, chuyển đổi số, tăng cường kiểm tra, giám sát, phân cấp, phân quyền, bảo đảm công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, cần quán triệt, bám sát các quan điểm mới về an sinh xã hội trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 20 của Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, nhất là bảo đảm nguyên tắc đóng-hưởng, nguyên tắc chia sẻ rủi ro, tính đúng, tính đủ giá DVYT; huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia KCB cho người dân…

Về đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 93 năm 2015 của Quốc hội về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ; quán triệt, bám sát các quan điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 28 của Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH; phân tích kỹ tác động chính sách, nhất là với đối tượng điều chỉnh để cụ thể hóa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, chính sách bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn.

PV