Chính sách miễn viện phí toàn dân: Cần một lộ trình chặt chẽ (Bài 2)

23/07/2025 09:37 AM


Để hiện thực hóa chính sách miễn viện phí toàn dân, bên cạnh việc nâng cao và bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh (KCB), Việt Nam cần một lộ trình thực hiện đồng bộ, chặt chẽ cả về chính sách tài chính, dịch vụ y tế, năng lực quản lý tại tất cả các cấp chính quyền.

Cần nguồn lực lớn về tài chính và nhân lực

Phân tích rõ hơn về chính sách miễn viện phí toàn dân, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng khẳng định, cùng với miễn học phí thì miễn viện phí là một chỉ số văn minh mà cả thế giới, các quốc gia đều hướng tới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu miễn viện phí toàn dân, ông Hồi cho rằng, khó khăn đầu tiên là phải có nguồn lực, tài lực và phải chuẩn bị để hệ thống y tế thay đổi. Bởi khi người dân không đóng lệ phí KCB thì tiền chi trả cho thầy thuốc và hệ thống dịch vụ y tế cũng phải khác. Bên cạnh đó, chính sách phải đồng bộ, toàn diện. Cơ chế, chính sách phải điều chỉnh, mới có thể bảo đảm tư duy mới, quan điểm mới, tầm nhìn mới và biện pháp mới đi được vào cuộc sống và trở thành hiện thực. Thách thức lớn thứ ba là cần làm sao để không mất đi sự cân đối trong tài chính cho những hưởng dụng xã hội, vấn đề an sinh.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhìn nhận, để sớm thực hiện được chủ trương miễn viện phí toàn dân, trước mắt phải cân đối lại kết dư. Nếu kết dư vướng các thủ tục hành chính thì phải nhanh chóng rà soát lại các vướng mắc, rào cản về hành chính không cần thiết. Chính sách nếu chưa thích hợp, chưa thực tiễn, vướng vào thực tiễn thì sẽ giống như rào cản, nút thắt. Ngoài ra, Chính phủ cần cân đối các nguồn lực để làm sao có nguồn kinh phí kịp thời. Cần các giải pháp đảm bảo nguồn lực về kinh phí, tài chính để duy trì chính sách trong một thời gian dài, cùng với sự phát triển của đất nước.

Theo thống kê của Bộ Y tế, danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu KCB của người bệnh BHYT. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được đưa vào danh mục chi trả của BHYT. Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, 100% cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc đã triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, hình ảnh thẻ trên ứng dụng VssID,… vừa rút ngắn thời gian, thủ tục KCB, nâng cao chất lượng phục vụ, vừa giúp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, chống trục lợi quỹ.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Hằng năm, bình quân quỹ BHYT chi trả từ 87-89% tổng chi phí KCB BHYT và người tham gia BHYT chỉ phải thực hiện đồng chi trả từ 11-13%. Như vậy, nếu thực hiện được việc miễn viện phí toàn dân sẽ xóa bỏ gánh nặng tài chính, giúp người dân được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế cơ bản.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, để đáp ứng được mục tiêu miễn phí dịch vụ y tế, Việt Nam cần một nguồn ngân sách rất lớn, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ và hiệu quả, đồng thời cần nguồn vốn đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng y tế, hệ thống bệnh viện. Việc miễn viện phí có thể được thực hiện thông qua BHYT toàn dân. Hiện nay, BHYT đã giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân khi KCB. Nếu mỗi người dân đều có thẻ BHYT thì có thể tiếp cận được dịch vụ y tế mà không phải lo lắng về chi phí KCB. Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ cần có kế hoạch cân đối, phân bổ thu chi ngân sách sao cho các bệnh viện có phần chi phí bù đắp vào khoản viện phí không còn nữa, để vẫn bảo đảm chất lượng KCB, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Cùng với đó, ngành Y tế và các ngành có liên quan phải có ý thức sâu sắc, thực hiện công tác chuẩn bị chu đáo theo lộ trình và kế hoạch. Các trường đại học, cao đẳng phải cung cấp cho ngành Y tế các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng không chỉ đáp ứng đủ số lượng mà còn về cả chất lượng và đạo đức. Các bệnh viện, cơ sở y tế phải được xây dựng khang trang, đúng chuẩn, được cung cấp các thiết bị, vật tư hiện đại, thuốc men không thiếu trước hụt sau…

Nghiên cứu lộ trình dài hơi, thận trọng

Thực hiện chính sách miễn viện phí toàn dân không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Do vậy, để chính sách này thành công, cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội và một lộ trình thực hiện rõ ràng, bài bản. Chính phủ và ngành Y tế đang nỗ lực xây dựng các cơ chế, chính sách hợp lý để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc chăm sóc sức khỏe toàn dân, tránh tình trạng lãng phí và trục lợi từ các dịch vụ y tế miễn phí. Việc triển khai hệ thống sổ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử chính là một bước đi quan trọng để tạo ra nền tảng quản lý sức khỏe toàn diện cho mỗi người dân.

Khẳng định chính sách này có giá trị thiết thực, nhất là với người dân ở vùng có điều kiện khó khăn, song bà Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Huế nhìn nhận, cùng với chính sách miễn giảm học phí, chúng ta đang tiến tới miễn giảm viện phí cho các đối tượng chính sách, ưu tiên người nghèo, người lớn tuổi và miễn viện phí cho toàn dân trong tương lai. Nếu chính sách miễn viện phí được triển khai sẽ là một minh chứng rõ nét cho thấy đất nước chúng ta phát triển ổn định bền vững, an sinh xã hội được quan tâm một cách toàn diện.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Để chính sách miễn viện phí toàn dân được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, việc cân đối nguồn lực là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng cùng những chiến lược bài bản và bền vững. Cần tính toán kỹ về lộ trình và cân đối về nguồn lực ngân sách. Theo đó, ở những địa phương còn nhiều khó khăn, không thể tự cân đối nguồn lực, vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, chúng ta phải đảm bảo tính toán, cân đối lại nguồn lực. Đây cũng là trách nhiệm không nhỏ, bởi làm sao để có sự tính toán phù hợp, xây dựng kế hoạch và lộ trình tài chính, chính sách về tài khoá, chính sách tiền tệ hợp lý luôn là một “bài toán khó”…

Dưới góc độ khác, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên (Thái Bình cũ) nhận định, cùng với việc chuẩn bị nguồn tài chính, phải cân đối kết hợp xã hội hóa, viện trợ quốc tế; trước mắt nên tập trung thực hiện đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, tiến tới đảm bảo đầy đủ quyền lợi BHYT; tiếp tục mở rộng diện miễn, giảm phí mua thẻ BHYT cho nhóm yếu thế (người nghèo, vùng khó khăn, trẻ em, người già, bệnh hiểm nghèo,…). Đồng thời, tập trung cải thiện hơn nữa dịch vụ y tế, tạo điều kiện bình đẳng để mọi người dân đều có thể tiếp cận các kỹ thuật điều trị cần thiết. Nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, kiểm soát chặt chi phí y tế, quản lý giá dịch vụ y tế. “Cũng cần quan tâm cải cách hệ thống tài chính y tế; phát triển y tế số, hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý dịch vụ y tế minh bạch giúp kiểm soát lạm dụng, tăng hiệu quả chi tiêu”, đại biểu Thu nhấn mạnh.

Song song với đó, việc giám sát, đánh giá hiệu quả miễn/giảm viện phí cần thực hiện thường xuyên, học hỏi liên tục mô hình thành công từ quốc tế và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân theo hướng quan tâm chủ động phòng bệnh để giảm chi phí KCB dài hạn.

Kỳ vọng, khi chính sách miễn viện phí toàn dân được triển khai sẽ mang lại giá trị lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giải quyết gánh nặng kinh tế trong điều trị bệnh cho người dân, chống nghèo hóa vì bệnh tật. Việc thực hiện chính sách thành công sẽ tác động tích cực trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh tật. Chỉ khi mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe một cách công bằng và hiệu quả, chúng ta mới thực sự tiến gần hơn đến một Việt Nam khỏe mạnh và phát triển bền vững./.

Tú Linh