Chính sách miễn viện phí toàn dân: Bước đột phá trong chính sách y tế (Bài 1)
14/07/2025 10:54 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính sách miễn viện phí cho người dân là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm giảm gánh nặng tài chính và tạo điều kiện để người dân, đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Miễn viện phí - nhân văn và thiết thực
Thực hiện thông báo số 176-TB/VPTW ngày 25/4/2025 về Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng uỷ Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân và định hướng thời gian tới và Tổng Bí thư kết luận thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khoẻ định kỳ cho Nhân dân ít nhất mỗi năm một lần. Thực hiện chủ trương này, Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng Đề án chăm sóc sức khỏe nhân dân với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035.
Theo đánh giá, việc thực hiện miễn viện phí là một bước đi quan trọng trong việc phát triển xã hội công bằng và thịnh vượng. Cùng với các nỗ lực từ ngành Y tế, Chính phủ đang xây dựng một hệ thống y tế hiện đại, toàn diện và dễ tiếp cận nhằm tạo ra cơ hội cho mỗi người dân đều có thể chăm sóc sức khỏe mà không gặp phải rào cản tài chính.
Theo lộ trình, từ năm 2026, 100% người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần, giảm thiểu tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giúp phát hiện, điều trị sớm bệnh tật. Với chi phí dự kiến cho một lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng/người, tổng chi phí cho khoảng 100 triệu người dân mỗi năm sẽ vào khoảng 25.000 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư vô giá cho sức khỏe của người dân, giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân và tạo ra một xã hội khỏe mạnh, năng động. Chính vì vậy, chính sách miễn viện phí sẽ giảm thiểu những bất công trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt đối với người dân ở các vùng sâu, vùng xa và các đối tượng yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật. Các đối tượng này sẽ được ưu tiên trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, từ đó tạo ra cơ hội để giảm bớt chênh lệch về chất lượng cuộc sống giữa các tầng lớp trong xã hội.
Hướng tới năm 2030, Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi quyền lợi của BHYT, giảm bớt chi phí KCB cho người dân xuống dưới 20% tổng chi phí y tế. Đồng thời, quyền lợi BHYT sẽ được mở rộng, từng bước giảm tỷ lệ đồng chi trả chi phí khám bệnh xuống dưới 10%. Chính sách này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người dân mà còn tạo ra động lực cho ngành Y tế phát triển mạnh mẽ, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và đảm bảo công bằng xã hội.
Nhận định về chính sách này, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội khẳng định, miễn viện phí cho người dân là chủ trương hết sức nhân văn và thiết thực. Dù thời điểm này chúng ta chưa thực hiện miễn viện phí, nhưng theo thống kê năm 2024, toàn quốc đã có trên 93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 93,35% dân số; trong đó bao gồm hỗ trợ từ ngân sách nhằm hỗ trợ mua BHYT cho người dân. Do đó, việc tiến tới miễn viện phí cho toàn dân cũng nằm trong chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng từ trước đến nay - để người dân được học hành, được chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, chính sách này cũng hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn có thể KCB, chăm sóc sức khỏe.
Ảnh minh họa.
Nhưng… nhiều thách thức với ngành y tế
Qua thực tiễn công tác, đại biểu Trần Khánh Thu - đoàn Thái Bình cho rằng, định hướng miễn viện phí toàn dân là minh chứng cho cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Việt Nam theo đuổi. Đồng thời, thể hiện tinh thần của một nhà nước vì dân, lấy chất lượng sống của nhân dân làm trung tâm. Tuy nhiên, việc miễn viện phí phức tạp hơn nhiều so với miễn học phí. Bởi với học phí, thì số học sinh phụ thuộc vào dân số và theo từng vùng, địa phương và thường có thể dự tính được cũng như ít có sự biến động lớn.
Trong khi đó, chi phí điều trị của mỗi người bệnh khác nhau, có người vài trăm nghìn cho một lần khám, nhưng cũng có người phải chi trả đến hàng trăm triệu, thậm chí vài tỉ đồng, đặc biệt là bệnh nhân ung thư, bệnh nhân nặng. “Trong những năm qua, cùng với tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật, nhiều kỹ thuật tiên tiến được áp dụng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe ở nước ta, đồng nghĩa với chi phí y tế tại Việt Nam đang tăng nhanh theo từng năm. Trong khi các bệnh viện công lập hoạt động tự chủ tài chính thì nguồn thu chủ yếu từ giá dịch vụ KCB. Do đó để hiện thực hóa miễn viện phí trong giai đoạn hiện nay là vô cùng thách thức và nhiều khó khăn, đòi hỏi nguồn lực kinh tế dồi dào cũng như lộ trình chắc chắn cẩn trọng”, đại biểu Trần Khánh Thu chia sẻ.
Trên thế giới đã có nhiều quốc gia thực hiện miễn viện phí cho người dân dưới nhiều hình thức khác nhau. Tại các nước Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy), Chính phủ tài trợ gần như toàn bộ chi phí y tế từ ngân sách. Bệnh viện công lập miễn phí hoặc thu phí rất thấp với tất cả người dân; thuế suất cao, bảo đảm nguồn thu ổn định cho quỹ y tế, chi phí được quản lý chặt chẽ, đầu tư đồng bộ cho y tế cơ sở. Hay tại Cuba hệ thống y tế hoàn toàn miễn phí, tập trung dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu rất mạnh, ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ. Các quốc gia châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc dù không miễn hoàn toàn viện phí nhưng bao phủ BHYT bắt buộc toàn dân, hỗ trợ tối đa cho người già, trẻ em, người nghèo. Điều này đồng nghĩa không phải tất cả bệnh nhân khi vào viện điều trị bất kỳ bệnh lý nào cũng miễn viện phí toàn bộ… Tuy nhiên, các nước đã thực hiện chính sách này chủ yếu là các nước có thu nhập bình quân đầu người cao, dân số ít.
Dù rất vui mừng khi thực hiện được chính sách miễn viện phí, song đại biểu Trương Xuân Cừ cũng cho rằng, trước mỗi chính sách cần có sự nghiên cứu, khảo sát thật kỹ, nhất là ở khía cạnh tác động của chính sách đó tới tình hình kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần xem xét, cân đối nguồn lực cho phù hợp, bởi trên thực tế chúng ta đã và đang triển khai rất nhiều chính sách an sinh xã hội khác. “Tôi cho rằng việc tiến tới miễn viện phí cho toàn dân là hoàn toàn hợp lý, quan trọng là tính toán các điều kiện để khẳng định về thời điểm triển khai. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng KCB thì bên cạnh ngân sách nhà nước, chúng ta cũng phải vận động được các nguồn lực xã hội”, đại biểu Cừ nói.
Cũng theo đại biểu Cừ, một trong những khó khăn lớn nhất cần tính đến để thực hiện hiệu quả chủ trương này là tính toán về nguồn lực, sắp xếp lại hệ thống bệnh viện KCB. Cần nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở y tế, bởi khi miễn viện phí cho tất cả người dân, chắc chắn nhu cầu KCB sẽ tăng lên, kéo theo yêu cầu về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và cả nguồn lực tài chính để đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chủ trương miễn viện phí sớm được triển khai là mong muốn của mọi người dân, nhất là nhiều người cao tuổi và những người ở vùng khó khăn. Bởi hiện nay, vẫn có một bộ phận người cao tuổi chưa có BHYT nên việc KCB gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, không đủ chi phí cho việc KCB.
(Còn tiếp...)
Tú Linh
Chi tiết >>
Những điểm mới của chính sách BHXH tự nguyện theo ...
Những đối tượng mới tham gia BHXH bắt buộc theo ...
Video Đại hội đại biểu Đảng bộ BHXH Việt Nam lần ...
Bản tin Audio số 71 - Tháng 7/2025
Toàn hệ thống BHXH Việt Nam nỗ lực, quyết tâm hoàn thành ...
Mỗi điển hình tiên tiến là minh chứng sống động cho tinh ...
Chính thức đổi tên gọi BHXH khu vực thành BHXH cấp tỉnh, ...
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chính sách hỗ trợ BHXH tự nguyện, ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?