Bảo hiểm y tế - Điểm tựa cho những người lính năm xưa
25/04/2025 03:09 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, hướng tới kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi may mắn gặp những cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, nay có người đã ở tuổi xưa nay hiếm đang đi khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Dù chiến tranh đã lùi xa 50 năm, ký ức vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí họ như mới ngày hôm qua. Giờ đây, các cựu chiến binh yên tâm đi khám, chữa bệnh nhờ chính sách BHYT do Nhà nước cấp, được chi trả 100% chi phí. Đây là sự tri ân thiết thực, thể hiện tấm lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh tuổi thanh xuân vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Gặp người bắn rơi chiến đấu cơ do John McCain điều khiển và cuộc hội ngộ đặc biệt
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chúng tôi gặp bác Trịnh Văn Hưng, Thường Tín, TP. Hà Nội, một trong những người lính thuộc Tiểu đoàn Tên lửa 61 (Tiểu đoàn 61) từng bắn rơi chiến đấu cơ do đại úy hải quân Mỹ John Mcain điều khiển năm xưa.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, bác Hưng bồi hồi nhớ lại: “Ngày 26/10/1967, Hà Nội trời trong xanh, nắng đẹp, cảnh vật bình yên. Thời điểm đó tôi mới 23 tuổi cùng đồng đội tại Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236 nhận nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Hà Nội. Nhận tin tình báo báo tin Mỹ sẽ thả bom Thủ đô. Ba hồi kẻng báo động vang lên, tôi cùng đồng đội vội mặc quân phục, đội mũ sắt, nhanh chóng vào vị trí chiến đấu”.
Máy bay địch ồ ạt tấn công từ hướng Tây, xé toạc bầu trời bình yên bằng tiếng bom đạn dữ dội. Bất ngờ, một chiến đấu cơ A-4 từ hướng Đông – mũi tấn công không ngờ tới – lao vào Hà Nội. Các trận địa pháo phần lớn ngoài tầm bắn, chỉ còn Tiểu đoàn 61 ở vị trí thuận lợi.
Đại tá Nguyễn Xuân Đài, sỹ quan điều khiển Tiểu đoàn 61 ra lệnh: “Phải bắn hạ chiếc máy bay này”. Trong giây phút căng thẳng, tôi cùng đồng đội điều chỉnh tọa độ, bấm nút, quả tên lửa lao vút lên, trúng đích. Chiếc chiến đấu cơ A-4 rơi gần Nhà máy điện Yên Phụ. Phi công nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và bị bắt sống – đó chính là đại úy hải quân Mỹ John Mcain, sau này trở thành Thượng nghị sĩ Mỹ. Ông được trao trả và trở thành người góp phần thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ trước khi qua đời năm 2018.
Bác Trịnh Văn Hưng nay đã 76 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nhắc lại ký ức năm xưa, Bác Hưng xúc động chia sẻ: “Ngày đó, mỗi lần Mỹ thả bom, Hà Nội tan hoang, người chết khắp nơi. Chúng tôi chỉ có một mong ước duy nhất là đất nước được hòa bình – và điều đó cuối cùng đã trở thành hiện thực”.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bác Hưng tình cờ gặp lại người đồng đội cũ – bác Phan Văn Thiệu, 82 tuổi, quê Thanh Hóa. Những người lính năm xưa ôn lại những năm tháng chiến đấu kiên cường, từ bảo vệ cầu Hàm Rồng đến các chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị ác liệt. “Nhiều người ngã xuống khi mới 16, 17 tuổi. Nỗi đau nằm lại trên chiến trường không đau bằng nỗi đau của người sống mang bệnh tật, di chứng da cam…” – bác Thiệu nghẹn lời.
Theo thống kê, từ cuối năm 1967, Mỹ đã ném hơn 1,6 triệu tấn bom xuống miền Bắc, vượt cả lượng bom ở châu Âu trong Thế chiến II. Nhưng tinh thần quả cảm của người lính đã làm nên chiến thắng. Miền Bắc bắn rơi hơn 2.600 máy bay, góp phần đảm bảo giao thông, tiếp viện cho miền Nam, viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Điểm tựa cho những người lính năm xưa
Câu chuyện của hai người lính năm xưa phần nào tái hiện lại một giai đoạn hào hùng của dân tộc, khi lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ, chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc. Ngày nay, dù đang “chiến đấu” với các di chứng của chiến tranh và bệnh tật do tuổi già, những cựu chiến binh vẫn giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ – kiên cường, bình thản đối mặt với bệnh tật. Chính sách BHYT trở thành điểm tựa vững chắc, đồng hành cùng những người cựu chiến binh trong hành trình điều trị. Theo quy định, người có công với cách mạng được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.
Bác Phan Văn Thiệu từng đối mặt với nhiều biến cố sau chiến tranh. Do nhiễm chất độc da cam, năm 1987 bác phát hiện khối u trong tủy sống, bị liệt phần lưng, phải trải qua gần 20 lần rút tủy, hai lần mổ cột sống với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Có lúc bác chỉ còn 29kg, cận kề ranh giới sự sống và cái chết. Nhưng chính nghị lực của người lính và sự hỗ trợ từ BHYT đã giúp bác vượt qua bệnh tật. “Tất cả chi phí điều trị đều được BHYT chi trả. Đó là chỗ dựa lớn giúp tôi thêm niềm tin chiến đấu với bệnh tật” – bác Thiệu chia sẻ.
Sau biến cố, bác thường xuyên điều trị tại nhiều bệnh viện. Lần này, bác nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do đau khớp vai. “Di chứng chiến tranh khiến tôi chữa bệnh suốt hơn 10 năm. Nhờ chính sách BHYT cho người có công, gia đình tôi giảm được gánh nặng chi phí rất nhiều” – bác nói.
Còn bác Trịnh Văn Hưng tuy đã cao tuổi nhưng sức khỏe khá ổn định, chỉ đối mặt với một số căn bệnh của tuổi già. Bác tâm sự: “Mỗi lần đi khám cũng mất vài triệu. Nếu không có BHYT, với mức lương hưu hơn 4 triệu đồng, tôi rất khó xoay xở.”
Bác Hưng khẳng định: “Chính sách BHYT không chỉ bảo đảm sức khỏe mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với cựu chiến binh – những người đã hy sinh tuổi xuân cho đất nước”.
Nhiều cựu chiến binh mang trong mình thương tật, di chứng chiến tranh, phải sống chung với bệnh tật suốt đời. Chính sách BHYT không chỉ giúp họ giảm bớt gánh nặng kinh tế mà còn tiếp thêm động lực, niềm tin để tiếp tục sống khỏe, giúp các cựu chiến binh phần nào hàn gắn những vết thương sau chiến tranh./.
Thái Dương
Chi tiết >>
Video: HĐQL BHXH họp thường kỳ quý I/2025 quyết ...
Video: Kỷ niệm 30 năm thành lập ngành BHXH Việt ...
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
(Video) Sáng nay, BHXH Việt Nam bắt đầu chi trả sớm lương ...
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ BHXH Việt Nam lần thứ I, ...
Hậu Giang đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH, BHYT: Hướng ...
Ban hành Kế hoạch rà soát văn bản của BHXH Việt Nam năm ...
Triển khai toàn diện công tác tuyên truyền, giải đáp, tư ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?