Khắc phục khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực dược, bảo đảm quyền lợi của người bệnh

22/10/2024 10:30 AM


Sáng 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và các ĐBQH cùng thảo luận ở hội trường về dự án luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi toàn diện Điều 7 của Luật hiện hành để quy định các chính sách chung của Nhà nước về dược; quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược tại Điều 8 (sửa đổi); còn quy định liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được xem xét khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm triển khai thực hiện.

Về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu đối với các quy định về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung báo cáo đánh giá tác động, kinh nghiệm quốc tế và quy định về chuỗi nhà thuốc để tạo công cụ pháp lý quản lý hiệu quả hơn các chuỗi nhà thuốc đã và đang hoạt động như thực tiễn hiện nay, đồng thời, bổ sung một số quy định để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn liên quan trong hoạt động kinh doanh chuỗi nhà thuốc và giao Bộ Y tế quy định chi tiết, cũng như quan tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.

Theo đó, một số quy định đã được chỉnh lý, cụ thể khái niệm chuỗi nhà thuốc tại khoản 48 Điều 2 (sửa đổi), quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc tại điểm h khoản 1 Điều 33 (sửa đổi), về quyền, trách nhiệm của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc và quyền, trách nhiệm của nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc tại Điều 47a (bổ sung); về điều kiện và trách nhiệm của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc tại khoản 1 Điều 17a (bổ sung) và khoản 3a Điều 31 (sửa đổi).

Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, thuốc là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng: bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 17 và 18 Điều 6 (sửa đổi); quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 1a Điều 42 (sửa đổi); quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 4 Điều 42 (sửa đổi), bao gồm cả trách nhiệm tổ chức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành Phiên họp

Điều hành Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Đã có 81 ý kiến phát biểu ở Tổ, Hội trường và có 5 ý kiến góp ý bằng văn bản. Sau Kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tích cực tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham vấn ý kiến để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách trong tháng 8. Đồng thời gửi xin ý kiến tiếp thu tối đa, giải trình cụ thể ý kiến các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

“Ngày 27/9/2024, Chính phủ đã có Báo cáo số 529 về việc tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về dự thảo luật cùng với một số tài liệu bổ sung. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đến nay dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 2 điểm, 1 khoản và 1 điều của Luật hiện hành và bổ sung 3 điều mới. Phần lớn các nội dung của dự thảo Luật sau chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các cơ quan. UBTVQH đã có Báo cáo số 982 dài 70 trang trình Quốc hội phản ánh đầy đủ các nội dung tiếp thu, giải trình theo từng nhóm vấn đề”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội) đánh giá cao Bộ Y tế đã thể hiện tinh thần quyết liệt trong lần sửa đổi Luật Dược này, tích cực tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời bày tỏ thống nhất cùng các nội dung trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng cần bổ sung các quy định về nội dung chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành dược ở Việt Nam. Theo đại biểu, chuyển đổi số cần được bổ sung vào Điều 7 quy định về chính sách của Nhà nước đối với phát triển ngành Dược. Cụ thể, việc triển khai kê đơn thuốc qua mạng cần được thực hiện từng bước và quyết liệt để đảm bảo quản lý tốt hơn chất lượng kê đơn, hình thức kê đơn, theo dõi tốt hơn hiệu lực kê đơn, hiệu quả của đơn thuốc, kinh phí, tài chính.

Cơ bản thống nhất với Báo cáo của UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Nguyễn Văn Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, yêu cầu cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc thiết yếu cho việc phòng bệnh, điều trị bệnh là yêu cầu hết sức cấp thiết. Do đó, cần thiết nghiên cứu rút ngắn thời gian đăng ký lưu hành thuốc, đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt đối với thuốc hiếm, vắc-xin, thuốc điều trị bệnh hiếm gặp, thuốc sinh học…

Phạm Chính