Điện Biên: Chuyển biến tích cực sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới

11/07/2024 04:38 PM


Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về “Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia BHYT.

Công tác khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều chuyển biến tích cực

Sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền

Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về “Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, Ban thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 04/4/2013 về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2013-2020; đồng thời Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành 133 quyết định, văn bản, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Y tế, BHXH tỉnh cũng đã ban hành 66 văn bản, kế hoạch để tổ chức thực hiện kịp thời; 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể xã hội liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW; 100% các huyện, thị xã, thành phố có ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT, ngoài các chính sách chung của Trung ương, Tỉnh còn hỗ trợ thêm 30% mệnh giá thẻ BHYT cho hộ gia đình cận nghèo từ ngân sách địa phương; hỗ trợ 20% mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT (BCĐ) do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban chỉ đạo. BCĐ đã tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT cho UBND các huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập BCĐ từ cấp huyện xuống cấp xã thực hiện giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho UBND xã, phường, thị trấn; đồng thời chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với ngành BHXH và các tổ chức dịch vụ thu BHYT thông tin, tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân,…

Để Chỉ thị số 38-CT/TW đi vào cuộc sống, Tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cơ quan, đơn vị; đồng thời định hướng các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở trong tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân được tiếp cận đầy đủ thông tin về BHYT. Qua tuyên truyền, nhận thức của công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân có chuyển biến tích cực, cơ bản hiểu đúng và đầy đủ quan điểm của Đảng về BHYT, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Những chuyển biến tích cực

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về “Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực:

Mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) ở các tuyến được củng cố và phát triển; chất lượng nhân lực y tế được cải thiện, số lượng cán bộ có trình độ đại học và sau đại học được tăng lên.

Tính đến 31/12/2023, tổng số nhân lực y tế toàn tỉnh là: 3.837 người (bao gồm công lập và dân lập), trong đó: Cán bộ y tế công lập của ngành Y tế: 3.201 người; cán bộ y tế trường học: 333 người; hành nghề y tư nhân: 144 người; hành nghề kinh doanh dược tư nhân: 159 người.

Trung bình toàn tỉnh có 12,53 bác sỹ/vạn dân (tăng 2,15 lần so với năm 2009, năm ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW); Dược sỹ đại học 2,19 dược sĩ/vạn dân (tăng 3,91 lần so với năm 2009); Trạm Y tế cấp xã có bác sĩ  là 129/129, đạt 100%; Trạm y tế có y sĩ y học cổ truyền là 113/129, đạt 87,59%; Trạm y tế có y sĩ sản nhi, nữ hộ sinh trung cấp là 123/129, đạt 96,12%; cô đỡ thôn, bản là: 125 người,…

Toàn tỉnh có  139 cơ sở KCB thực hiện ký hợp đồng KCB BHYT. Số giường bệnh đã đạt 32,2 giường bệnh/vạn dân (tăng 1,24 lần so với năm 2009).

Công tác cải cách hành chính trong KCB BHYT có chuyển biến tích cực. Hầu hết các bệnh viện đã củng cố, sắp xếp lại các khoa, phòng, tăng cường nhân lực tại các khâu tiếp đón, khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, thu viện phí, cấp phát thuốc; công khai thời gian, quy trình khám bệnh, bảng giá viện phí, đối tượng ưu tiên, có sơ đồ khoa KCB.

Các cơ sở KCB đã triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong KCB và thanh quyết toán BHYT (cài đặt VssID, phối hợp cùng cơ sở KCB xử lý các vướng mắc khi người dân tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT trên Hệ thống VssID; thực hiện truyền thông đến người tham gia BHYT về việc sử dụng CCCD gắn chíp để KCB BHYT. Qua đó, thực hiện quản lý KCB tốt hơn và giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh và người nhà bệnh nhân trong thực hiện các thủ tục KCB, nhập viện, ra viện và thanh toán chi phí KCB.

Tỉnh đã ban hành Quyết định số 578/QĐ-UBND, ngày 14/7/2015 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện: “Đổi mới mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Đến nay, 100% các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử trong các tình huống cho cán bộ y tế; ký cam kết từ cán bộ y tế đến các khoa, phòng cho tới lãnh đạo bệnh viện theo quy định.

Các cơ sở KCB tăng cường việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng KCB thông qua đường dây nóng; xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện theo đúng khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở; bệnh nhân ở chăm sóc tận tình; bệnh nhân về dặn dò chu đáo”; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ y tế có hành vi ứng xử không tốt, có dấu hiệu tiêu cực, gây phiền hà cho người bệnh.

Công tác quản lý các hoạt động KCB BHYT luôn được quan tâm chỉ đạo và thực hiện đầy đủ; số lượt người bệnh đi KCB BHYT đều tăng qua các năm. Nếu như năm 2009, toàn tỉnh thực hiện KCB cho 636.682 lượt người với số tiền quỹ BHYT chi trả là 75,6 tỷ đồng thì đến hết năm 2023, toàn tỉnh thực hiện KCB cho 751.887 lượt người với số tiền quỹ BHYT chi trả là 531,7 tỷ đồng (tăng 1,18 lượt người với số tiền tăng 7,03 lần).

Công tác phát triển người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Số lượng người tham gia BHYT qua các năm đều đạt chỉ tiêu về độ bao phủ BHYT tính trên dân số. Tính đến 31/12/2023, số người tham gia BHYT là 618.753 người, độ bao phủ BHYT là 96,0%. Ước năm 2024, số người tham gia BHYT là 633.916 người, độ bao phủ BHYT là 97,0%.

Công tác quản lý Nhà nước về BHYT và quản lý Quỹ BHYT trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.

Có thể khẳng định, sau 15  năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, Điện Biên đã đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Những chuyển biến tích cực trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ là tiền đề quan trọng để Điện Biên tiến tới BHYT toàn dân, góp phần đảm bảo An sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Ngọc Hà (BHXH tỉnh Điện Biên)