Quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường

25/05/2024 02:00 PM


Sáng 25/5, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường”.

Tham dự Hội thảo có: Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa; bà Katrin Riisgaard Pedersen,  Tham tán Y tế -  Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam; cùng 300 đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH 22 tỉnh, thành phố, các chuyên gia, khách mời của Bộ Y tế, Trường Đại học Dược Hà Nội, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Hội Nhi khoa Việt Nam, Công ty Novo Nordisk.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu mở đầu Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa BHXH Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam căn cứ Biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa hai bên trong lĩnh vực BHYT giai đoạn 2023-2025; nhằm cung cấp thêm thông tin, tăng cường kiến thức cho các giám định viên về bệnh đái tháo đường và quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa đánh giá, bệnh đái tháo đường là một trong những vấn đề cấp bách của y tế toàn cầu, có thể tác động làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tới năm 2025, số người mắc bệnh đái tháo đường sẽ lên đến 330 triệu người trên toàn thế giới. Đặc biệt, bệnh tiến triển âm thầm, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tỉ lệ tử vong cao. Bệnh đái tháo đường vẫn được xem như "kẻ giết người thầm lặng" của toàn nhân loại thời hiện đại.

Hiện nay tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam ước chiếm khoảng trên 6% dân số, và khoảng 10% dân số khác mắc tiền đái tháo đường. Thực trạng này vẫn đang gia tăng khiến Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ gia tăng nhanh bệnh lý này. Tuy số người được điều trị có tăng trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn rất nhiều người bệnh chưa được phát hiện và điều trị sớm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, mới chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế. Theo thống kê, hằng năm, quỹ BHYT đã chi hàng ngàn tỷ đồng để chẩn đoán và điều trị cho các trường hợp mắc bệnh tiểu đường và chi phí này tiếp tục gia tăng hàng năm.

“Vấn đề đặt ra là nguồn lực chi cho y tế luôn có giới hạn, nguồn quỹ BHYT có giới hạn, vì vậy cần phải quản lý, theo dõi điều trị hợp lý hiệu quả nhất bệnh tiểu đường, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, giảm gánh nặng xã hội và đảm bảo khả năng chi trả của nguồn quỹ BHYT” - Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa chia sẻ.

Katrin Riisgaard Pedersen, Tham tán Y tế -  Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đồng quan điểm, phát biểu tại Hội thảo, bà Katrin Riisgaard Pedersen, Tham tán Y tế -  Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam nhận định, bệnh đái tháo đường đang vấn đề của hàng triệu người dân Việt Nam. Đái tháo đường không chỉ là một bệnh lý mà còn là một vấn đề xã hội. Nó là gánh nặng tài chính đáng kể lên hệ thống y tế vì nó chiếm một phần đáng kể trong chi tiêu chăm sóc sức khỏe. Chi phí bao gồm trực tiếp (thuốc men, thăm khám bác sĩ, nhập viện...) cũng như gián tiếp (nghỉ phép ngày làm việc, giảm năng suất, nghỉ hưu sớm,…). Ngoài những chi phí này còn có những tổn thất về tinh thần đối với cá nhân và gia đình họ liên quan đến căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.

Tại Việt Nam số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh và có nhiều người chưa được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, thời gian qua, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã phối hợp với nhiều cơ quan liên quan đánh giá, tìm giải pháp cho vấn đề này. Vừa qua, tháng 4/2023, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã phối hợp với Công ty Novo Nordisk, Hội Nhị khoa Việt Nam tiếp cận, hỗ trợ được hơn 500 trẻ em mắc bệnh đái tháo đường típ 1 tại Việt Nam thông qua Chương trình Thay đổi bệnh đái tháo đường ở trẻ em và trẻ vị thành niên do công ty Novo Nordisk khởi xướng.

Chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia cung cấp thông tin về tình hình bệnh đái tháo đường và cấu phần chi phí điều trị tại Việt Nam; thực trạng chi trả chi phí bệnh đái tháo đường và các gánh nặng trong điều trị; thực trạng chi trả bảo hiểm cho thuốc điều trị bệnh đái tháo đường tại Việt Nam. Ngoài ra còn có các thông về tình hình quản lý, thanh toán chi phí bệnh đái tháo đường tại các cơ sở khám chữa bệnh ở nhiều địa phương…

Qua Hội thảo, các đại biểu đã có thêm những kinh nghiệm thực tiễn tốt về quản lý điều trị bệnh tiểu đường, có thêm cơ sở khoa học để lựa chọn thuốc phù hợp cho điều trị mang lại hiệu quả cao giúp giảm gánh nặng và đảm bảo chất lượng cuộc sống người bệnh./.

Phạm Chính