Cần sớm sửa luật, tăng tính hấp dẫn của chính sách; xử lý nghiêm lạm dụng, trục lợi, vi phạm chính sách BHXH, BHYT

27/10/2021 06:42 PM


Chiều 27/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Phát biểu ý kiến, các Đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT của Chính phủ, các bộ liên quan và ngành BHXH Việt Nam thời gian qua. Đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách BHXH, BHTN, BHYT trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trần Thị Hiền: Để triển khai thực hiện chế độ, chính sách về BHXH thì chúng ta không chỉ thực hiện riêng Luật BHXH còn phải thực hiện các quy định có liên quan của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; Luật Việc làm về chế độ bảo hiểm thất nghiệp và các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động. Theo Báo cáo của Chính phủ ngoài các luật, bộ luật nêu trên thì còn phải thực hiện theo quy định của hơn 60 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện (từ nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư của Bộ). Theo đại biểu, như vậy vẫn còn nhiều văn bản hướng dẫn và đối với người sử dụng lao động và nhất là người lao động cần một hệ thống văn bản làm sao gọn hơn, dễ tìm hơn thay vì nhiều loại văn bản như hiện nay.

Đề nghị sửa đổi các quy định để Chính phủ linh hoạt hơn trong quá trình điều hành, thuận lợi điều chỉnh mức đóng cho cả doanh nghiệp và người lao động mà vẫn bảo đảm thực hiện các chế độ, bảo đảm cân bằng quỹ - điều này hỗ trợ thiết thực cho các bên giảm chi phí, tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục và sức cạnh tranh doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 hiện nay.

Luật BHXH; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Bộ luật Lao động đã có những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn đối với người lao động không có quan hệ lao động, người làm việc ở khu vực phi chính thức, khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, song theo báo cáo của Chính phủ cho thấy việc tổ chức thực hiện vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan quan tâm để thúc đẩy, có giải pháp cụ thể hơn nữa, nhất là khẩn trương trình Quốc hội dự án Luật BHXH (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về cải cách chính sách BHXH, đáp ứng với tình hình mới, phát huy hơn nữa vai trò của BHXH là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.

Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại các điểm cầu

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình Đặng Bích Ngọc: Năm 2020, cả nước gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, việc nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm đã dẫn đến hệ lụy trong triển khai thực hiện các chính sách, chế độ BHXH. Do đó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, cần phân tích, đánh giá đầy đủ những nguyên nhân để đưa ra những giải pháp cụ thể, đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang còn hết sức phức tạp như hiện nay.

Về tình hình trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT, sau các đợt thanh kiểm tra, các đoàn có kết luận rõ ràng, tuy nhiên chế tài để xử phạt hiện nay còn chưa đủ mạnh, nên tính chất răn đe chưa cao; tình trạng chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính cả giai đoạn 2016 - 2020 còn ở mức thấp, mới đạt 25,2% số tiền phải thu hồi. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cũng như người sử dụng lao động vẫn còn vi phạm và điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích của người lao động. Trong bối cảnh hiện nay, người lao động cũng là lực lượng yếu thế, Chính phủ cần có sự phân tích, đánh giá và ban hành những chế tài thật nghiêm khắc, để triển khai thực hiện tốt hơn việc đóng BHXH.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Hoàng Ngọc Định: Kiến nghị xem xét có phương án linh hoạt trong việc quy định thời gian tham gia đối với đối người tham gia BHXH tự nguyện, mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. (Phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH). Đồng thời, tăng mức đóng tham gia BHXH, bổ sung quy định cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia đầy đủ 5 chế độ là: hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn - bệnh nghề nghiệp.

Về chính sách BHYT, kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian cho người dân thuộc các xã khu vực II, khu vực III (giai đoạn 2016-2020) hiện nay chuyển xã khu vực I theo Quyết định 861 (giai đoạn 2021-2025) được tiếp tục thụ hưởng chính sách BHYT đến hết ngày 31/12/2021. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách từ năm 2022 trở đi, các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi sau khi được địa phương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tức là chuyển sang xã vùng I) thì được tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chính sách BHYT ít nhất 1 năm.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Chu Thị Hồng Thái: Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định, sớm sửa đổi Luật BHXH để có biện pháp can thiệp nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện cũng như giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc như báo cáo của Chính phủ đã nêu. Để đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, Chính phủ cũng cần có giải pháp mở rộng hệ thống đại lý thu và khuyến khích công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội các cấp trong việc triển khai và giám sát thực hiện chính sách về BHXH.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh: Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình các chính sách phù hợp nhằm tiếp tục hỗ trợ BHYT cho người dân còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, không có khả năng tự mua BHYT. Để giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng tài chính cá nhân và cũng góp phần tăng tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT. Để đến 2025, đạt tỷ lệ 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT theo mục tiêu Nghị quyết 88 của Quốc hội Khóa XIV đã đề ra.

Đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền BHYT, kết hợp thanh kiểm tra để sớm phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về BHYT. Sớm chỉ đạo Chính phủ xây dựng Luật BHYT sửa đổi và Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi để thực hiện tốt hơn nữa chính sách của Đảng, Nhà nước chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới.

Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng: Hiện nay, các quy định của pháp luật chưa phân biệt rõ giữa "trốn đóng" và "chậm nộp" BHXH nên các doanh nghiệp lợi dụng chây ỳ, trốn tránh đóng BHXH, làm gia tăng nợ BHXH, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xây dựng hành lang pháp lý, phân biệt những trường hợp nào là trốn đóng, trường hợp nào là chậm nộp. Đồng thời, có chế tài mạnh để xử lý nghiêm đối với các đơn vị sử dụng lao động nợ hoặc chậm đóng BHXH.

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian được hưởng chính sách BHYT từ 3 đến 5 năm đối với người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được xét ra khỏi vùng hoặc xã đạt chuẩn nông thôn mới, để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang: Đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo, sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm… và các luật liên quan theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Trung ương. Đó là, đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả. Ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu dài hạn, nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực đầu tư khác có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một khoản tiền nhàn rỗi từ quỹ thông qua uỷ thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế, nhưng vẫn phải bảo đảm tính an toàn, bền vững.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Ngọc Sơn: Phát triển BHXH một cách bền vững, nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động là cần thiết và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết khi chưa sửa Luật BHXH, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích thiết thực của loại hình bảo hiểm này và có ý thức chuẩn bị cho tuổi già một cách chủ động từ khi còn trẻ. Từ thực trạng quy định hiện hành của pháp luật về chính sách hưởng BHXH một lần; các hệ lụy, bất cập về mục tiêu an sinh xã hội, về tổ chức thực hiện, đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28 đề ra.

Bên cạnh đó, cần sớm sửa Luật BHXH, thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng một lần. Điều chỉnh cách tính lương hưu, bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng, bảo đảm đúng quy định tại Nghị quyết số 28. Đề xuất sửa đổi Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bao gồm lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên; hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tại phiên họp

Báo cáo giải trình, tiếp thu một số vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, BHXH đến nay thực sự đã từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, đã góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia lao động. Về những tồn tại, hạn chế thời gian qua trong triển khai chính sách BHXH và thời gian tới, tiếp thu ý kiến đại biểu, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan sẽ tập trung thực hiện:

Thứ nhất, khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi một cách căn cơ Luật BHXH, Luật Việc làm. Thứ hai, sử dụng các quỹ ngắn hạn đúng mục đích, tăng quyền lợi cho người lao động. Nghiên cứu, điều chỉnh, phát huy kết dư các quỹ trong hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động, xây dựng các chính sách hấp dẫn người lao động tham gia BHXH và cuối cùng là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo.

Đổi mới khâu tổ chức thực hiện, chúng tôi đề xuất Quốc hội 3 vấn đề: Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc triển khai chính sách. Thứ hai, giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sử dụng kết dư của các Quỹ BHXH ngắn hạn để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch và các yếu tố rủi ro khác.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tại phiên họp

Báo cáo giải trình, tiếp thu một số vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, tới đây, Bộ Y tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để xây dựng Luật BHYT, trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách về tăng tỷ lệ bao phủ của BHYT. Vấn đề thứ hai là mở rộng quyền lợi và chăm sóc sức khỏe đối với đối tượng tham gia BHYT như là vấn đề về khám bệnh, chữa bệnh, vấn đề về khám sàng lọc, vấn đề về y tế dự phòng trong vấn đề về BHYT. Vấn đề thứ ba là quản lý, sử dụng Quỹ BHYT một cách hợp lý, hiệu quả và công khai, minh bạch. Vấn đề thứ tư là thực hiện BHYT bổ sung và xem xét mức độ đa dạng mức đóng BHYT và vấn đề về bổ sung quy định về khám, chữa bệnh BHYT trong trường hợp xảy ra các dịch bệnh. Về vấn đề này, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện…

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, các ý kiến phát biểu rất tập trung vào hai nội dung có trọng tâm sâu sắc, rất trách nhiệm, phản ánh nhiều vấn đề thực tế đang đặt ra cần giải quyết trên tinh thần xây dựng, đặc biệt là đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có ý kiến giải trình, tiếp thu, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm nhiều, bộ phận Thư ký của kỳ họp đã ghi chép, lưu trữ đầy đủ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp, báo cáo để gửi lại đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, tiếp thu những nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra nêu trong báo cáo và ý kiến thảo luận hôm nay, cơ quan thẩm tra tiếp tục cùng các Bộ, ngành liên quan hoàn thành báo cáo đảm bảo có chất lượng hơn nữa./.