COVID-19

PAPI 2020: Covid-19 làm gia tăng sự quan tâm của người dân đến BHYT

14/04/2021 03:41 PM


Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI) năm 2020 được công bố sáng 14/4 cho thấy một trong các phát hiện nổi bật: Covid-19 đã khiến sự quan tâm của người dân đến BHYT gia tăng.

Từ năm 2018 đến nay, nghiên cứu PAPI do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Đại sứ quán Ireland và UNDP tại Việt Nam đồng tài trợ. Báo cáo đánh giá trải nghiệm của người dân đối với hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền trong quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

Nhấn mạnh tác động Covid-19 đến những lo ngại của người dân, PAPI 2020 chỉ ra rằng, đói nghèo tiếp tục đứng đầu trong những vấn đề đáng quan ngại nhất của người dân. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 khiến y tế/BHYT và tăng trưởng kinh tế trở thành 2 trong 3 vấn đề cần Nhà nước ưu tiên giải quyết trước nhất

Theo đó, mối quan ngại về y tế, BHYT đã tăng vọt từ 2% vào năm 2019 lên 17% vào năm 2020. “Mối quan ngại về sức khoẻ có thể liên quan đến đại dịch Covid-19”, nhóm chuyên gia phân tích. Bên cạnh đó, mất việc làm do tác động của Covid-19 dẫn tới người dân có xu hướng bi quan hơn về tình hình kinh tế của hộ gia đình. Kết quả khảo sát 2020 cho thấy, tỉ lệ người trả lời cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ kém hơn so với ba năm trước tăng từ 14% năm 2019 lên 18% năm 2020. Mức độ lạc quan với nền kinh tế của Việt Nam cũng giảm mạnh, thể hiện qua việc số người cho rằng tình hình kinh tế của đất nước hiện nay ở mức kém tăng lên đáng kể so với hai năm trước...

“Mặc dù thành công trong kiểm soát đại dịch Covid-19 trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục đổi mặt với những thách thức về chăm sóc y tế và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới” TS. Paul Schuler, đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá. 

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo PAPI 2020 cung cấp kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh trên tám chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và Quản trị điện tử). Kết quả khảo sát năm 2020 cho thấy: không có tỉnh, thành phố nào có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất ở toàn bộ tám chỉ số nội dung PAPI năm 2020. Phần lớn các tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất phần lớn tập trung ở khu vực phía Bắc và miền Trung. Trong khi đó các tỉnh đạt điểm thấp hơn tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Qua hai năm 2019 và 2020, kết quả phân tích PAPI cho thấy, chỉ có tỉnh Thái Nguyên cải thiện điểm số ở sáu chỉ số nội dung; hai tỉnh (Bắc Ninh và Bình Định) cải thiện ở năm chỉ số nội dung, và ba tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Tháp) cải thiện ở bốn chỉ số nội dung. Điểm của Cần Thơ giảm ở năm chỉ số nội dung; trong khi điểm của sáu tỉnh (Sơn La, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Dương, và Bến Tre) giảm ở bốn chỉ nội dung so với năm 2019.  

Kết quả trình bày trong báo cáo cho thấy kể từ năm 2016, lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công đã được cải thiện đáng kể qua từng năm. Trách nhiệm giải trình với người dân cũng từng bước được cải thiện trong nhiệm kỳ 2016-2021. Ngày càng có nhiều người dân tương tác với chính quyền cấp cơ sở, nhất là với trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và đại biểu Hội đồng nhân dân. Sự tham gia của người dân và nỗ lực chống tham nhũng có mối liên hệ tích cực với hiệu quả phòng chống đại dịch Covid-19. Niềm tin với Chính phủ khiến hầu hết người dân tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, cách ly y tế, các biện pháp phòng dịch...

“Báo cáo PAPI 2020 cho thấy có mối tương quan tích cực giữa quản trị tốt và hiệu quả trong ứng phó với đại dịch. Nói cách khác, quản trị tốt rất quan trọng. Trong thời gian tới, với quản trị công tốt, Việt Nam sẽ ứng phó hiệu quả với những tình huống khẩn cấp bất ngờ khác”, Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie chia sẻ.

Nhóm chuyên gia cũng khuyến nghị: Báo cáo PAPI 2020 bao gồm kết quả của nội dung thành phần và chỉ tiêu cụ thể. Để đáp ứng những quan tâm và kỳ vọng của người dân một cách hiệu quả, các tỉnh, thành phố cần tìm hiểu phân tích sâu những kết quả này, thay vì chỉ so sánh điểm số tổng hợp.

PV