Rà lại văn bản pháp quy để mở đường cho việc kiện vi phạm BHXH của công đoàn

19/11/2017 09:48 PM


Đó là đề xuất của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên trả lời chất vấn ngày 18/11 của Quốc hội.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Sáng 18/11, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ 4, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời các vấn đề liên quan tới hướng giải quyết vướng mắc trong các vụ việc BHXH kiện doanh nghiệp nợ BHXH; nhiều bản án vừa tuyên có hiệu lực bị giám đốc thẩm, bất nhất về quan điểm nghiệp vụ; tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án; về xây dựng và phát triển án lệ; trách nhiệm, xử lý các vụ án oan sai; xử lý các vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; giải pháp công khai bản án nhưng vẫn bảo đảm bí mật đời tư của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử sơ thẩm và tiến độ xử lý các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm; giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng trước tòa; giải pháp thực hiện tinh giản biên chế trong ngành tòa án.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh - Bình Dương đề cập: Trong thời gian vừa qua, tình hình doanh nghiệp nợ  BHXH kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động gây bức xúc trong xã hội, nhưng chưa có giải pháp thu hồi hiệu quả. Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật  BHXH năm 2014 và gần đây nhất là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đều có quy định: Tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án, khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, tổ chức công đoàn ở nhiều địa phương đã nộp đơn khởi kiện doanh nghiệp nợ  BHXH ra Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên, tất các đơn khởi kiện của tổ chức công đoàn đều bị Tòa án trả lại. Lý do trả lại đơn khởi kiện cũng không thống nhất. Từ thực tế trên, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân của những vướng mắc trên là do đâu? Và giải pháp nào để tháo gỡ những vướng mắc này để tổ chức công đoàn có thể thực hiện quyền khởi kiện của mình đối với hành vi vi phạm pháp luật về   BHXH đã được pháp luật quy định.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay có 102.900 đơn vị còn đang nợ BHXH, của 2,6 triệu lao động, với số tiền nợ là 14.700 tỷ đồng.  BHXH đã khởi kiện 8.840 vụ và yêu cầu trả khoảng 6.000 tỷ đồng. Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ và tuyên các doanh nghiệp phải trả và thu hồi được 16% số nợ bảo hiểm phải trả. Còn 1.400 đơn trả lại cho các cấp.

Lý giải về việc Tòa án không thụ lý kiện nợ BHXH, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, quy định của luật giao cho BHXH có quyền kiểm tra, xử phạt. Sau kiểm tra, xử phạt, trình tự hành chính xong tòa mới giải quyết. Chính vì vậy, tòa có công văn yêu cầu không thụ lý đơn này nữa vì không đúng quy định của tố tụng hình sự mới được ban hành. “Sở dĩ có công văn này, công văn xuất phát từ một vụ kiện của bảo hiểm nhưng sau đó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị và tòa án thấy kháng nghị của Viện Kiểm sát đúng và bản án mà tòa đã xử tuyên là phải hủy cho đúng trình tự tố tụng. Sau đó chúng tôi ra hướng dẫn không thụ lý nữa.” – ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Cho biết, thời gian qua, các tổ chức công đoàn đã khởi kiện 138 vụ BHXH, Chánh án TAND tối cao nêu rõ một số vướng mắc trong quá trình xét xử. Cụ thể: Thứ nhất, đại diện công đoàn không được người lao động ủy quyền, cho nên thông tin ra đến tòa để bảo vệ phần khởi kiện của mình không chắc chắn; Thứ hai, có nhiều đại diện công đoàn sau khi kiện xong mời ra tòa cũng không ra; Thứ ba, vướng về mặt luật, đây là được xem kiện dân sự mà theo quy định của dân sự là các bên nguyên, bên bị. Nguyên đơn và bị đơn là bình đẳng với nhau và theo nguyên tắc của dân sự, việc dân sự cốt ở đôi bên và có quyền thỏa thuận. Trong trường hợp này công đoàn khởi kiện nhưng công đoàn không được quyền thỏa thuận. Do đó, vụ án cũng không giải quyết được theo các trình tự nào.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, vừa qua, tại một phiên họp có sự tham gia của lãnh đạo công đoàn, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội,  BHXH Việt Nam, Bộ Lao động và của các ngành khác và tất cả đều thống nhất không kiện.

Cho rằng, đây là một thực tế rất nóng và muốn hay không cũng phải giải quyết, khắc phục cho được tình trạng nợ BHXH, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tình trạng nợ đọng như thế này không đảm bảo quyền lợi của người lao động, khi nghỉ hưu hoặc trong điều kiện khám bệnh hoặc về sau. Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự và quy định sau 01/01/2018, các hành vi vi phạm đến nợ bảo hiểm bắt buộc coi như tội phạm và nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc. Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án các cấp phải thụ lý theo đúng quy định của luật.

Với các vướng mắc về luật, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị Thường vụ Quốc hội cho phép rà lại các văn bản pháp quy để mở đường cho việc kiện vi phạm pháp luật BHXH của công đoàn. Cụ thể, trong Luật Tố tụng lao động, sẽ giải quyết bài toán về công đoàn đại diện cho người lao động.

Ngoài ra, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng nêu ra bài học kinh nghiệm trong xét xử các đại án tham nhũng, cụ thể là qua vụ xét xử Hà Văn Thắm; giải pháp khắc phục tình trạng tỷ lệ án bị cải sửa, hủy; giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các vụ án đánh bạc; giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, thi hành các vụ án hành chính; giải pháp nâng cao chất lượng bản án dân sự; giải pháp phòng chống tội phạm băng nhóm, xã hội đen; nâng cao vai trò, hiệu quả của hội thẩm nhân dân tham gia công tác xét xử.../.

TA